Ý nghĩa ẩn chứa bên trong điệu múa cổ điển của người Khmer Nam bộ  (Lượt xem: 2571)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Dân tộc và phát triển

Cập nhật: 09/11/2024

Người Khmer có nền văn hóa nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, trong đó, sự sáng tạo trong nghệ thuật múa ẩn chứa bên trong những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ý nghĩa ẩn chứa bên trong điệu múa cổ điển của người Khmer Nam bộ 
 Múa Viên ngọc thần. 

Ngay từ khi còn nhỏ, ông bà đã chỉ dạy những điệu múa cho người con Khmer nên nghệ thuật múa đã “thấm vào máu”, do đó, người Khmer có câu nói “trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”. Câu nói này minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu rộng của ca, múa, âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo Tiến sĩ Sơn Cao Thắng (ảnh trên) - Trường Đại học Trà Vinh thì người Khmer ở ĐBSCL có nghệ thuật múa rất đa dạng. Liên quan đến sinh hoạt sản xuất có các điệu múa như bắt Cá chẳng hạn, người ta gọi là múa dân gian, còn đối với các điệu liên quan đến phong tục, lễ hội, ví dụ như lễ cưới cũng có múa, cái đó người ta gọi là múa truyền thống. Ngoài ra, có một nghệ thuật múa đặc biệt nữa mà cha ông đã để lại cho đến ngày nay đó là múa cổ điển, điểm nhận biết múa cổ điển là các động tác có sự uyển chuyển, trang phục lộng lẫy và mang ý nghĩa sâu sắc.  

Múa Duyên tình nàng Sê Đa.

Múa cổ điển là loại hình nghệ thuật múa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ. Điệu múa này, có tiết tấu chậm rãi, điệu bộ mềm mại và thanh tao. Thông thường, điệu múa cổ điển thường diễn đạt theo các tích truyện cổ có trong văn học dân gian Khmer như: trích đoạn Riêm Kê, Sô Vanh Mạch Chha, sự tích sấm sét,… mang những giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm hướng thế hệ mai sau đến với cái đẹp, cái thiện, tránh xa cái xấu, cái ác.

Không những thế, trong điệu múa cổ điển, những động tác uyển chuyển của đôi tay và chân đều thể hiện tiếng nói riêng mang những ý nghĩa ẩn chứa phía sau, mà thế hệ cha ông đã gửi gắm trong từng động tác múa.

Múa sử tích sấm sét.

Tiến sĩ Sơn Cao Thắng cho biết, đối với người nghệ sĩ múa Rô băm thì phải biết các động tác cơ bản, trong đó, có các động tác tay, chân, nét mặt sau cho phù hợp với bài múa. Động tác tay chính là biểu trưng sự sinh sôi của thực vật, đầu tiên ta thấy cái nắm tay lại có nghĩa là hạt giống, sau khi hạt giống nảy mầm sẽ mọc lên (biểu hiện bằng ngón tay trỏ chỉ lên), sau đó có lá non, lá già, cành (biểu hiện bằng hai ngón tay), sau đó là kết hoa (biểu hiện bằng các ngón tay chụm lại), sau hoa là trái, trái chính sẽ rụng và sau đó sẽ tiếp tục nảy mầm, đó chính là vòng đời sinh trưởng trong tự nhiên.

Ngoài ra, Tiến sĩ Thắng cũng nói thêm, các động tác ngón tay chỉ có thể hiểu là thấy cái gì đó, động tác chíp trước ngực thì có thể hiểu người múa muốn nói là tôi đây, hay các động tác phối hợp khác cũng vậy, nó có ý nghĩa của nó, vì múa Rô băm không thể hiện bằng lời nói mà thông qua các động tác múa, người múa sẽ gửi cho chúng ta hiểu về ý nghĩa của câu chuyện.

Những bậc tiền bối đã tạo nên loại hình nghệ thuật múa cổ điển độc đáo cho đồng bào Khmer. Qua tương tác với môi trường tự nhiên, người Khmer đã sáng tạo nên những điệu múa mang đặc trưng riêng của dân tộc, những động tác múa ấy, không chỉ toát lên vẻ đẹp mềm mại của người múa mà còn cho thấy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.

 

Lớp dạy múa CLB văn nghệ chùa Bốn Mặt.

Hiện nay, thế hệ trẻ ở Sóc Trăng đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy điệu múa của dân tộc, nổi trội và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia là các câu lạc bộ, các nhóm múa ở các điểm chùa. Nổi bật là CLB văn nghệ chùa Bốn Mặt đã tập hợp, tập luyện các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer, có nhiều người tham gia. “Những buổi đầu tập Rô băm phải uốn tư thế tay, chân theo cô hướng dẫn cũng khó khăn lắm nhưng vì yêu nghệ thuật nên em cố gắng học, em mong muốn sẽ góp sức nhỏ để giữ nghệ thuật múa này cho thế hệ sau nữa”, em Thạch Ngọc Hiếu (ảnh dưới, áo trắng) - Thành viên CLB văn nghệ chùa Bốn Mặt, chia sẻ.

Múa cổ điển của người Khmer, không chỉ đơn thuần là loại hình nghệ thuật biểu diễn mà còn là di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc. Qua hàng thế kỷ, điệu múa Rô băm nói riêng và các điệu múa khác của người Khmer nói chung đã không ngừng phát triển, khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khmer, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Thanh Hùng, Reng Xây


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online