Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ - Dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển (Lượt xem: 238)
>> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Dân tộc và phát triển
Cập nhật: 22/12/2024Năm 2024, đánh dấu 30 năm trường Bổ túc Văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam Bộ ra đời. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo, nhiều thế hệ lãnh đạo của trường, các vị sư và đồng bào phật tử Khmer đã thỏa mãn kỳ vọng. Nhà trường đã không ngừng nỗ lực đào tạo tăng tài cho đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cộng đồng dân tộc Khmer.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đến thăm trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ.
Từ đề xuất của cụ Huỳnh Cương (thời điểm đó là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VII, Trưởng Phân ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 675/TTG ngày 15/9/1994 về việc giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định thành lập trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ và vận hành trường với nguồn kinh phí do tỉnh đảm bảo. Ngày 7/12/1994, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 3579/QĐ.TCCB-94 về việc thành lập trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ với nhiệm vụ vừa dạy bổ túc văn hóa, vừa dạy chữ Pali và chữ Khmer, nhằm đào tạo cán bộ người dân tộc Khmer trong khu vực Nam Bộ.
Một góc khuôn viên trường hiện nay.
Ông Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc kể lại: Đây là lần đầu tiên mà từ trước đến nay chưa có một chương trình nào đào tạo nào về chữ Pali và chữ Khmer, người học chỉ học theo dạng người biết dạy người chưa biết, người học trước dạy người học sau. Tôi nghĩ rằng đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội, do đó, nhận lời đồng chí Huỳnh Cương, tôi tham mưu giúp xây dựng Đề án. Khi xây dựng gặp khó khăn vì thời điểm đó chưa có Trung cấp thì làm sao xây dựng Cao cấp được. Tôi báo cáo khó khăn với đồng chí Huỳnh Cương. Sau một thời gian cân nhắc, trao đổi, thống nhất nên lấy từ Trung cấp trước. Tôi xin ý kiến, chương trình nên có sự kết hợp giữa Pali - Khmer và chương trình văn hóa, mà văn hóa này nếu lấy theo phổ thông cũng không đủ điều kiện, cuối cùng mới thống nhất lấy Bổ túc văn hóa.
Ông Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trả lời phỏng vấn phóng viên STV.
Khi trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ mới thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, trường dần được đầu tư mở rộng, nâng cấp để vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo chư tăng phật giáo nam tông Khmer, vừa thực hiện trọng trách gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
(Ảnh tư liệu về trường).
Hiện nay, trường có 1 khu hiệu bộ và 87 phòng, gồm phòng học, các phòng học thí nghiệm, ký túc xá, nhà ăn, thư viện, hệ thống trạm bơm nước và phòng cháy, chữa cháy, không gian sân bãi rộng rãi. Đặc biệt, chùa Khleang đã hiến tặng 8.110 m² đất để trường xây dựng khuôn viên khang trang, hiện đại, đáp ứng đầy đủ các điều kiện phục vụ dạy và học. Hoà thượng Tăng Nô - Phó Hiệu trưởng trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ - Trụ trì chùa Khleang, cho biết: Hồi trước Bộ GD&ĐT muốn cho tiền xây dựng ký túc xá, trường học mà không đủ điều kiện, khi có đất mới được xây dựng. Từ đó nhà chùa đề nghị Ban quản trị đồng ý, giao cho Sở Giáo dục quản lý đất đã hiến tặng. Sau đó Bộ GD&ĐT cho tiền xây dựng trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ. Nhờ Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ nên hiện tại trường được xây dựng khang trang, có giáo viên, máy móc đầy đủ.
Hoà thượng Tăng Nô - Phó Hiệu trưởng trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ - Trụ trì chùa Khleang.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, các vị Hiệu trưởng qua từng thời kỳ đã đóng góp không ngừng cho sự phát triển của trường. Người đặt nền móng đầu tiên chính là cố Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn - Nguyên Phó Pháp chủ GHPG Việt Nam, Nguyên Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. Năm 1993, Hòa thượng Dương Nhơn đã khởi xướng lập trường, mở ra một chương mới trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Hòa thượng Dương Nhơn còn tham gia Hội đồng Thẩm định Quốc gia để biên soạn và thẩm định sách giáo khoa tiếng Khmer ở 7 trình độ khác nhau, cùng với tài liệu tiếng Pali - Khmer, những tài liệu này trở thành nguồn học liệu quý giá không chỉ cho trường BTVH Pali các cấp mà còn hỗ trợ việc dạy học song ngữ tại các trường phổ thông và các lớp học chữ Khmer tại các chùa Phật giáp Nam tông Khmer.
Giai đoạn từ tháng 8/2008 đến tháng 7/2013, ông Thạch Tịnh đã để lại nhiều thành tựu nổi bật. Từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2017, ông Lý Thành Hưng tiếp tục lãnh đạo nhà trường với tinh thần đổi mới. Từ tháng 7/2017 đến nay, ông Lâm Nhưm tiếp tục kế thừa và phát huy thành tựu giáo dục của trường, đưa nhà trường không ngừng phát triển, khẳng định vị thế của một ngôi trường đặc thù trong cả nước.
Cùng với đó là sự tận tâm của các Phó Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên và sự phấn đấu học tập, rèn luyện của các thế hệ học viên qua các thời kỳ. Thầy Lâm Qui - Nguyên phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: Từ năm 2004, tất cả các hạng mục của trường được bắt đầu xây dựng và cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2008, được trang bị đầy đủ bàn ghế, thiết bị dạy học, máy móc phục vụ cho việc giảng dạy. Từ đó chất lượng giảng dạy cho tăng sinh được nâng lên.
Thầy Lâm Qui - Nguyên phó Hiệu trưởng trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ.
Trong 30 năm qua, trường đã đào tạo được 1.395 học viên. Trước khi vào học tại trường, các vị tăng sinh đã được học tiếng Pali sơ cấp, rèn luyện đạo đức và kĩ năng sống thông qua 3 năm học Pali Roong tại các điểm chùa. Khi học tại trường, ngoài các môn về tự nhiên và xã hội giống như bậc trung học phổ thông thì các tăng sinh còn được đào tạo bài bản về ngữ pháp tiếng Khmer. Giáo viên còn giảng dạy về phương pháp dịch thuật song ngữ Khmer-Việt,Việt-Khmer để các sư có thể thành thạo ngôn ngữ, có kiến thức vững vàng khi Tốt nghiệp.
Điểm khác biệt của trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ với các trường Phổ thông dân tộc nội trú là các học viên được rèn luyện chữ Pali là ngôn ngữ Đức Phật dùng để truyền giáo. Những kinh sách, giáo lý của Đức Phật được lưu truyền đến ngày nay đều được ghi chép bằng tiếng Pali. Trong ngôn ngữ Khmer vay mượn hơn 30% tiếng Pali, vì vậy, tiếng Pali rất cần thiết cho môi trường học tập của các tăng sinh, để sau này học nâng cao nhằm nối tiếp thế hệ trước giữ gìn ngôn ngữ dân tộc.
Là trường nội trú nên khu ký túc xá của trường có 51 phòng; có phòng chăm sóc y tế; xây dựng nội quy… đảm bảo điều kiện cho học viên học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi để có sức khoẻ tốt phục vụ việc học. Đang học lớp 12 ở trường, tăng sinh Huỳnh Văn Huy, chia sẻ: Khi học viên tan học thì căn tin của trường đã dọn sẵn bữa ăn ngon. Thực đơn thay đổi hàng ngày giúp học viên luôn ngon miệng và đảm bảo sức khỏe. Khu nội trú của trường luôn ngăn nắp, vệ sinh và an toàn, các tăng sinh rất thân thiện, hòa đồng với nhau. Tuy học xa quê nhưng sư luôn cảm thấy thoải mái. Các chế độ chính sách của Nhà nước dành cho học viên luôn được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Buổi học chính khoá tại lớp.
Nhằm nâng cao an toàn môi trường nội trú, đảm bảo an ninh, trật tự trong nhà trường, năm 2018, trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ đã thành lập đưa vào hoạt động mô hình “4 không” (không để cháy nổ xảy ra, không để trộm cắp tài sản, không tham gia các tệ nạn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo). Cùng với sự phát triển của xã hội, sự tác động không nhỏ của các trang mạng đến giới trẻ và tăng sinh, sau vài năm mô hình hoạt động hiệu quả, trường đã thêm “4 có” vào mô hình (có ý thức khi tham gia giao thông, có ý thức thực hiện phòng, chống dịch bệnh, có ý thức ứng xử văn hoá trên các trang mạng xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường). Được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên và học viên, mô hình “4 không, 4 có” đã tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, tạo động lực cho tăng sinh cố gắng học tập, tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, chấp hành tốt nội quy, quy định của nhà trường, giới luật của Phật giáo và pháp luật của Nhà nước.
Chi bộ nhà trường hiện có 31 đảng viên, trực thuộc Đảng uỷ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Trường có 43 cán bộ, giáo viên, viên chức thì đã có 4 cán bộ, giáo viên có trình độ sau Đại học, tất cả đều tâm huyết với nghề, luôn quan tâm chăm lo cho đời sống và học tập của học viên.
Sau khi đủ điều kiện tốt nghiệp, học viên sẽ được cấp Bằng Tốt nghiệp Trung học phổ thông và Giấy chứng nhận Tốt nghiệp tiếng Pali Trung cấp, Giấy chứng nhận Ngữ văn Khmer Trung học. 30 năm qua, trường đã hoàn thành được 27 khoá với 841 học viên (Tốt nghiệp THPT 748 học viên, tỷ lệ 88,9%, Tốt nghiệp tiếng Pali Trung cấp và Ngữ văn Khmer các khoá đều đạt 100%). Trong số học viên Tốt nghiệp ra trường có nhiều học viên tham gia công tác ở các ngành, lĩnh vực khác nhau (Giáo dục, Y tế, Báo, Đài, Quân đội, Công an, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh…). Ngoài ra còn có một số học viên đi du học ở các nước Myanma, Thái Lan, SriLanka… và nhiều học viên đang theo học ở các trường Cao đẳng, Đại học, Học viện…
Thầy Lâm So Rone - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Pali Trà Vinh.
Thầy Lâm So Rone - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Pali Trà Vinh (cựu học viên Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ), nói: Nhờ học tại trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng mà mình có kiến thức và kinh nghiệm. Tới khi trở về chùa, vô công tác tại cơ quan nhà nước, mình tham mưu cho UBND tỉnh, viết đề án thành lập Trường Trung cấp Pali Khmer tỉnh Trà Vinh. Đồng thời tham mưu cho Hiệu trưởng nhà trường về công tác quản lý cũng như chỉ đạo công tác giảng dạy tại trường được tốt hơn.
Thượng tọa Trần Văn Tha - Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Sê rây Tà Mơn, huyện Trần Đề, nói: Trường đã đào tạo rất nhiều tăng tài và người tài để cung cấp, tạo nguồn cho xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer. Các vị mở các lớp cho quý sư về Pali cũng như giáo lý và kể cả văn hóa. Bên cạnh đó, các vị còn phục vụ rất tốt quán xuyến nhà chùa và có những vị đã trở thành người có uy tín các cấp, có những vị hiện giờ đang giữ những chức vụ rất quan trọng trong Giáo hội.
Thượng tọa Trần Văn Tha - Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Sê rây Tà Mơn, huyện Trần Đề.
30 năm qua, trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ đã gặt hái những thành quả đáng tự hào. Trường có 1 học viên đỗ thủ khoa kỳ thi Tốt nghiệp Bổ túc THPT năm 2009; 1 học viên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ; 3 cán bộ của trường được Đảng uỷ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh biểu dương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 11 học viên Giỏi toàn cấp được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen; 11/20 giáo viên dạy giỏi cấp trường; 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 3 nhân viên và 1 tập thể của trường được Bộ Công an biểu dương điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ, giai đoạn 2018 - 2024. Trường được tặng 44 Bằng khen cấp tỉnh và cấp Bộ, Ngành Trung ương, 1 Cờ dẫn đầu thi đua Khối 9.
Các cá nhân của trường được khen thưởng trong năm học 2019-2020.
Thực hiện Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, từ 2019 đến nay, trường đã mở 25 lớp từ căn bản đến nâng cao và biên phiên dịch với 1.928 cán bộ, công chức, viên chức theo học. Lớp học nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc Khmer có thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Khmer, đồng thời am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào, phục vụ yêu cầu công tác và nâng cao khả năng tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Chường trình dạy tiếng Khmer trên truyền hình.
Trường phối hợp với Sở GD&ĐT, Hội khuyến học tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình “cùng học tiếng Khmer” trình độ căn bản và trình độ nâng cao, đến nay đã hoàn thành phát sóng 130 kỳ. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, công chức, viên chức thông thạo tiếng Pali và Khmer cho tỉnh, trường đã phối hợp trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng đào tạo một lớp sư phạm tiếng Khmer - Pali trình độ Cao đẳng với 28 học viên; phối hợp với trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng liên kết với trường Đại học Trà Vinh đào tạo liên thông lớp Đại học sư phạm ngành Ngữ văn Khmer với 25 học viên tham gia.
Cố Trưởng lão Hòa thượng Dương Nhơn (bìa phải ảnh) - Nguyên Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nguyên Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tiếp phái đoàn từ Vương quốc Campuchia do Đại tăng thống Tep Vong (bìa trái ảnh) dẫn đầu đến thăm trường.
Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi từ các phái đoàn từ Trung ương đến địa phương. Vào ngày 17/7/2012, trường vinh dự đón phái đoàn từ Vương quốc Campuchia do Đại tăng thống Tep Vong dẫn đầu đến thăm.
Ông Lâm Văn Mẫn (bìa trái ảnh) - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng đến thăm trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ.
Về nhiệm vụ trọng tâm của trường, Thầy Lâm Nhưm (bìa phải ảnh trên) - Hiệu trưởng trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết trường đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam bộ, trong đó mục tiêu chủ yếu là nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer; trang bị kiến thức cho giới sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer có một lượng kiến thức, am hiểu sâu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện đúng, đồng thời cũng là một cộng tác viên, một chuyên nguyện viên, một nhân lực để phổ biến, tuyên truyền lại cho giới sư sãi và bà con phật tử; trang bị kiến thức cho giới sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer có một trình độ nhất định để sau này nếu có điều kiện, nguyện vọng tham gia vào các trường Cao đẳng, Đại học và đi du học theo hệ Phật giáo.
Nhấn mạnh sự ra đời của trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ đánh dấu một giai đoạn mới trong đào tạo sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Nam Bộ; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta với đồng bào các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và với đồng bào Khmer khu vực Nam Bộ nói riêng; khẳng định quan điểm, chủ trương đúng đắn về dân tộc, tôn giáo đối với đồng bào, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt nam tỉnh, chúc mừng và trân trọng biểu dương những thành quả đạt được của thầy và trò trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ trong thời gian qua.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, nâng cao chất lượng đào tạo của trường trong thời gian tới, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bà Hồ Thị Cẩm Đào đề nghị quý sư sãi, cán bộ quản lý, quý thầy, cô giáo, nhà trường quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức và học viên.
Hai là, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế, kế hoạch giáo dục hàng năm, bảo đảm tính ổn định lâu dài, quan tâm đầu tư và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của nhà trường.
Ba là, thực hiện tốt chủ đề hàng năm của ngành GD&ĐT; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sư sãi Khmer phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Nam Bộ.
Bốn là, đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ am hiểu ngôn ngữ, văn hóa trong vùng dân tộc và Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng xu thế đổi mới, hội nhập và phát triển.
Năm là, thường xuyên chăm lo đời sống và thực hiện tốt các chế độ, chính sách; quan tâm phát triển đảng viên đối với sư sãi, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh người dân tộc Khmer, tạo sự yên tâm công tác, phấn đấu học tập tốt và gắn bó với nhà trường, hết lòng vì sự nghiệp GD&ĐT.
Trải qua hành trình 30 năm hình thành và phát triển, trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ không những luôn giữ vững lá cờ đầu trong giáo dục cộng đồng mà còn là niềm tự hào của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước khu vực Nam Bộ; khẳng định vai trò quan trọng trong đào tạo thế hệ cán bộ, sư sãi người Khmer, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.
Với phương châm hành động “kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, phát triển, hội nhập”, tập thể trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ đã và đang không ngừng nỗ lực giữ vững giá trị truyền thống, không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích nghi với những yêu cầu thời đại. Xứng đáng là nơi "gieo chữ", “ươm mầm trí tuệ”, vun đắp những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ trẻ, đào tạo nên những công dân ưu tú, có ích cho gia đình, chùa chiền, phum sóc và quê hương./.
Hoàng Diệu, Văn Đại
Tag: |
TIN LIÊN QUAN
- Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp...
- Thị trấn Trần Đề đạt chuẩn đô thị...
- Sóc Trăng: Họp mặt các vị Linh mục,...
- Sóc Trăng: Họp mặt các Anh hùng Lực...
- Thành phố Sóc Trăng nâng chất các tiêu...
- Tháo gỡ khó khăn trong công tác triển...
- Thạnh Trị: “Không để ai bị bỏ lại...
- Tích cực chăm lo, hỗ trợ cho người...
- Sóc Trăng khởi công xây dựng, xóa nhà...
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng đồng...
- Huyện Mỹ Xuyên quyết tâm xóa nhà tạm,...
- Kịp thời ngăn chặn vụ việc nghi vấn...
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Thống nhất mua 120 hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng
- Ở vị trí nào cũng đều công tác tốt
- Thạnh Trị: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” về nhà ở
- Sóc Trăng: Kết quả kiểm tra, thanh tra trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công vụ
- Sóc Trăng: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.