Trần Đề thắng lợi trong đợt thả nuôi tôm chính vụ (Lượt xem: 3803)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 01/11/2021

Tính đến cuối tháng 9/2021, huyện Trần Đề đã kết thúc đợt thả nuôi tôm chính vụ theo khung lịch thời vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo. Mặc dù từng đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết, đặc biệt là những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 ngay từ đầu quý III, nhưng từ sự hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, kỹ thuật của ngành chức năng cho người nuôi, cùng bằng sự nỗ lực, quyết tâm của hộ nuôi nên đến thời điểm này, ngành tôm Trần Đề đã thắng lợi về Kế hoạch thả nuôi và sản lượng thu hoạch.  

Trần Đề thắng lợi trong đợt thả nuôi tôm chính vụ
Quang cảnh thu hoạch tôm tại huyện Trần Đề (ảnh tư liệu). 

  Tính đến cuối tháng 9/2021, Trần Đề đã thả nuôi được 4.435 ha tôm nước lợ, sản lượng tôm thu hoạch được là trên 40.000 tấn, cao hơn khoảng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Phấn khởi hơn là chỉ có 1,5% diện tích tôm thả nuôi bị thiệt hại, từ đó, Trần Đề trở thành một trong những địa phương trong tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại thấp nhất trong đợt thả nuôi chính vụ năm 2021.

 

Kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi.  

   Người nuôi tôm nước lợ huyện Trần Đề đã có sự nhạy bén, mạnh dạng đầu tư cải tạo ao nuôi và chuyển đổi sang các hình thức nuôi mới nhằm hạn chế thiệt hại, giúp tôm sinh trưởng, phát triển và đạt được kích cỡ lớn để tăng lợi nhuận kinh tế. Trường hợp của anh Trần Đông Dương ở ấp Mỏ ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề là một ví dụ. Sau thành công từ các vụ nuôi trước, năm 2021, mô hình nuôi tôm lót bạt trong bể tròn 3 giai đoạn tiếp tục được anh Dương áp dụng. Theo đó, tôm post sau khi bắt về được thả nuôi trong bồn ương được 15 ngày thì chuyển sang bồn nuôi tôm lứa; tôm được nuôi 25 ngày trong bồn tôm lứa tiếp tục được chuyển sang bồn nuôi tôm thịt với mật độ là 200 con/m2. Tôm được chia làm 3 đợt thu hoạch là thu tỉa vào 75 ngày, 100 ngày và 132 ngày. Nuôi tôm trong bể tròn nổi giúp quản lý tốt môi trường nước nên tỷ lệ sống của tôm luôn đạt trên 90%. Theo đó“việc nuôi tôm trong bể hạn chế được mức độ hao hụt tôm, tôm đạt chất lượng và sản lượng”. 

Kỹ thuật nuôi tôm trong bể lót bạt đang được các hộ nuôi Trần Đề áp dụng, tạo môi trường sinh trưởng, phát triển tốt cho tôm.   

  Không riêng hộ nuôi nhỏ lẻ, nhiều khu nuôi tôm nguyên liệu của các công ty, doanh nghiệp thủy sản tại Trần Đề đã thành công đáng kể. Người nuôi đã có sự tính toán tỉ mỉ về diện tích nuôi, cẩn thận trong khâu vệ sinh thú y nhằm phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên tôm… điều này giúp tỷ lệ tôm sống tại các khu nuôi trên địa bàn huyện đều đạt trên 90%. Điển hình như tại khu nuôi của Công ty Cổ phấn Thủy sản sạch, với gần 130 ha thả nuôi chia làm 236 ao nuôi, trong vụ nuôi của năm 2021 này, Công ty đã tiến hành thả nuôi đồng loạt với mật độ 300 con/m2. Sản lượng thu hoạch trung bình mỗi ao đạt từ 8 đến 10 tấn. 2 hình thức nuôi chủ yếu được Công ty áp dụng là nuôi tôm lót bạt đáy và nuôi tôm trong ao tròn nổi. “Việc áp dụng hình thức nuôi bằng ao bạt giúp cho người nuôi đảm bảo được nguồn nước sạch, chất lượng cho tôm so với nuôi bằng ao đất. Do đó, nếu phát hiện tôm bị bệnh, việc thay mới nguồn nước, hạn chế được mầm bệnh lây lan trong ao nuôi được thực hiện nhanh chóng, hạn chế được tỷ lệ tôm hao hụt so với các hình thức nuôi truyền thống trước đây, sản lượng tôm vượt kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Sóc Trăng cho biết thêm.

 

Ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Sóc Trăng (ảnh tư liệu). 

  Nuôi tôm bằng ao tròn phủ bạt có ưu điểm giúp người nuôi dễ quản lý vì diện tích thả nuôi khá nhỏ, tôm thành phẩm sạch đạt chất lượng và đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Thời gian tới, theo ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề cho biết: Ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho những hộ nuôi có đủ điều kiện thực hiện, đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu chất lượng phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề (ảnh tư liệu). 

  Sự nhạy bén của người nuôi tôm trong việc áp dụng các mô hình nuôi mới cùng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi đã giúp huyện Trần Đề phát huy tốt vai trò vùng nuôi tôm công nghiệp lớn của tỉnh Sóc Trăng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm của tỉnh./.

Ngọc Thơ - Văn Sông


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online