TÔI MƠ - Bùi Thị Ngọc Anh (Lượt xem: 3984)
>> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Cập nhật: 04/07/2017Tôi cũng còn nhớ, cứ mỗi mùa gặt về ngoài đồng đông vui như hội, người lớn thì bận bịu chuyện đồng áng còn trẻ con thì mải cuốn theo những trò chơi. Và tôi cũng có những cái hẹn với tuổi thơ ở đấy – trên những cánh đồng.
Mỗi người có một quê hương...
(Nguyên bản của tác giả)
Gió đẩy từ phía đầu ngàn vào cuốn theo mùi bùn đậm vị phù sa, ngọn lúa nương mình vào gió réo rắt những khúc ru mới - khúc ru dỗ dành hạt lúa ngậm sữa cho chắc hạt, nghe ngọt ngào như tiếng ru con nhỏ của những bà mẹ trẻ. Không lẫn vào đâu được, khoảng xanh mênh mông trước mặt là cánh đồng quê tôi – nơi bình yên nhất mà khi lớn rồi ai cũng thèm được quay về.
“Mỗi người có một quê
Ngày dại thơ để ở
Tuổi niên thiếu để yêu
Và lớn lên để nhớ”
(Thơ Xuân Quỳnh)
Chắc đã lớn thật rồi nên những khắc khoải về ngày bé con trên những cánh đồng luôn là những nỗi nhớ miên man…Ngược ký ức về những ngày trong trẻo lên 6, lên 8 thì tôi chẳng có khu vui chơi của thiếu nhi nào ngoài một cánh đồng lộng gió. Để rồi một buổi sáng của tuổi 26 như hôm nay, tôi lại thẩn thơ ngồi đón gió đồng mát rượi mà trong lòng bình yên đến lạ, tôi nhắm nghiền mắt lại để mặc cho mùi phù sa lẫn mùi đất xồng xộc vào sống mũi mình, lặng nghe những âm thanh quen thuộc của đồng quê, giống như tuổi thơ vẫn còn quẩn quanh đâu đây.
Tôi mơ màng về những ngày an nhiên khi mới lên 6, lên 8…
Khi ấy, cánh đồng sau nhà tôi có chút manh mún nhưng lại nằm liền kề với nhiều cánh đồng bên tạo ra một dải xanh bao la mất hút đường chân trời. Mùa lũ về, nước từ các nhánh sông Hậu đổ vào các con rạch và cánh đồng cũng ngập chìm trong biển nước. Tôi theo các anh neo xuồng ngoài ruộng bắt cá, chiếc xuồng ba lá xuôi mái giữa mênh mông, cá lớn lẫn cá bé theo con nước về đồng rồi lại sản sinh thêm nhiều lứa, chỉ cần một tay lưới mảnh là anh em tôi dễ dàng bắt được mớ cá kha khá mỗi ngày. Tiện tay anh tôi chống xuồng đến những chỗ có rau nhúc ngoi lan trên mặt nước, lựa nhánh nào non nhất tôi ngắt một mớ đem về, xuồng ba lá chông chênh và đầy ắp rau cá, hứa hẹn cho một ngày chúng tôi no đủ với bữa canh chua cá đồng và rau nhúc thật ngon lành.
Đến mùa khô khi con lũ lui về sông cái, trả lại sự hồi sinh cho đồng ruộng thì cũng là lúc người lao động bắt tay vào công việc đồng áng, họ tiếp tay cho tạo hóa để biến những mảnh đất vô hồn thành cánh đồng lúa bao la, hệt như một bức tranh sống động. Cuộc sống quê tôi cứ thế trôi chảy qua những ngày gian lao nhưng luôn an yên.
Nói cho hoa mỹ thế thôi chứ chính mồ hôi của bao nhiêu con người chân quê đổ xuống đất, mới khiến đất hoang phải đâm chồi - nảy lộc mà xanh và tươi tốt như thế, giống như cách cây lúa trả ơn những con người vất vả mưu sinh nhưng vẫn luôn tin rằng cứ bỏ ra công sức thì sẽ nhận thành quả tốt“ Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Thơ Hoàng Trung Thông). Đành rằng nghề làm lúa được coi là nghề “ bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, phải mất nhiều công cày cấy, công bón phân xịt thuốc nhưng chỉ cần mấy bận dịch hại (rầy nâu, đốm vằng, lép hạt,…) là đủ để đè nặng thêm nỗi lo chi phí và phẩm chất lúa không còn như ý, nếu không khéo sẽ làm ra nợ nần. Vậy mà nhờ kiên trì gắn bó với nghề trồng lúa đã tạo cho người dân quê hương tôi thói quen cần mẫn, yêu lao động và đời sống của họ cũng ngày một cải thiện. Ngoài ra, tài sản quý giá mà họ để lại cho Đất nước còn là bề dày lịch sử của một ngành nông nghiệp lúa nước giàu kinh nghiệm, góp phần quan trọng trong việc ổn định an ninh lương thực quốc gia. Bằng chính sức lao động, họ cũng truyền lại cho các thế hệ con cháu những bài học vô giá về sự cần cù, nghị lực vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay, cứ ráng thêm một chút thì sẽ bớt đi phần khốn khó về sau - “Ai ơi ra sức cấy cày/ Thêm giờ lao động, bớt ngày lao đao” (Thơ Thanh Tịnh).
Tôi cũng còn nhớ, cứ mỗi mùa gặt về ngoài đồng đông vui như hội, người lớn thì bận bịu chuyện đồng áng còn trẻ con thì mải cuốn theo những trò chơi. Và tôi cũng có những cái hẹn với tuổi thơ ở đấy – trên những cánh đồng. Chiều về tụi con trai đá bóng, thằng Toàn dựng mấy cây tre quấn rơm làm khung thành hai bên, rồi nó giành làm thủ môn. Đám thằng Nam với thằng Lập lúc nào cũng kình nhau, giành trái bóng gần khung thành khiến thằng Toàn tỏ vẻ lo lắng, tay chân luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khung thành. Bóng vào một trái là tụi con trai nhảy cẫng, chạy vòng vòng rồi chạm tay nhau, tụi nào thua thì buồn so, còn đám con gái không hiểu gì lắm nhưng cũng vào hô hào, vui phải biết. Đội nào thua thì hôm đó bị phạt phải mời cả nhóm ăn kem đá. Thế mà sau những trận thua đủ cả đám vẫn cứ cười hề hề với nhau như chưa từng có chiến thắng hay thất bại nào.
Những ngày căng gió cả đám chúng tôi làm diều thả, mấy đứa con gái khéo tay cắt giấy và túi ni – lông thành hình con diều, còn con trai thì vót tre làm khung. Và đó là những ngày diều no gió đồng. Phất phới trên những cánh đồng là diều ni – lông, diều giấy báo cũ, diều vở học sinh. Thế nên tôi phải bẽn lẽn mỗi lần nghe Mẹ hỏi: “Bay làm gì mà vở bay bị rút ruột còn có vài trang vậy hả?”. “À! Dạ hôm qua, con...con lấy giấy làm con diều màu trắng đó Mẹ”- tôi ấp úng chỉ tay về phía con diều treo trong góc nhà, trong ánh mắt có chút tức giận của Mẹ tôi gãi đầu rồi lảng đi vì biết Mẹ sẽ không giận lâu.
Rồi đến lúc thu hoạch xong xuôi là khoảng thời gian đất ruộng nghỉ ngơi, nước sấp sấp trên mặt và lúa chét (còn gọi là lúa tái sinh, được mọc từ những mầm ngủ ở những gốc rạ sau khi đã thu hoạch) mọc lên đầy đồng, có hộ cắt lúa chét mang về đập để dành xay gạo ăn dần, có hộ bán đồng lúa chét cho những người chăn vịt chạy đồng. Đám trẻ lớn bày đầu cho tôi chạy theo đàn vịt đi nhặt trứng vịt đẻ rơi. Thủ sẵn mỗi đứa một cái rổ tre có lót rơm cột ngay ngắn vào cổ, chịu khó một chút, một bận chạy đồng theo đàn vịt là mỗi đứa nhặt cả rổ. Trứng vịt mới nở, trứng còn non, vỏ chưa kịp cứng, màu trắng hồng nóng hổi nằm gọn trên mấy đống rơm nhỏ mà đàn vịt đi qua. Những trái trứng vịt không mất tiền mua khiến tôi quên cái đôi chân hôi sình, rửa cỡ nào cũng không bay mùi nổi. “Ăn bao nhiêu mà bay lội sình bùn, coi kìa tay chân lấm lem, bay mà không rửa cho kỹ mai ghẻ cái chân luôn đó nghe!” – Mẹ tôi nghiêm nghiêm vẻ mặt làm ra bộ trách cứ một đứa trẻ ham vui, nhưng tay thì tỉ mỉ lượm nhặt mấy cộng rơm dính trong rổ trứng, Mẹ lựa ra trái nào cần ăn trước, trái nào có thể cất để dành cho mấy bữa sau. Chiều đó cả nhà quây quần bên mâm cơm trứng chiên và mớ rau luộc hái sau hè, Mẹ làm chiên trứng dư dả hơn một chút và không nêm nhiều muối mặn như mọi khi vì chiều nay tôi nhặt được kha khá trứng. Thưởng thức món trứng do mình nhặt có vẻ tôi cảm thấy ngon miệng hơn rất nhiều. Khung trời tuổi thơ của tôi giản dị như thế, điều kiện thì không có nhưng luôn dư giả hồn nhiên và đầy ắp những niềm hạnh phúc.
Mặc cho tháng năm có đi qua, màu xanh bình yên của cánh đồng vẫn khiến cho biết bao nhiêu tâm hồn xa quê cảm thấy thanh thản khi tìm về. Bữa cơm hôm nay là bữa cơm đầy đủ cá thịt, không giản đơn như bữa cơm cá đồng hay trứng vịt như ngày ấy nhưng chính những ngày ấy đã tạo nên tôi của hôm nay. Tôi chạnh lòng mở đôi mắt và cất gọn lại những hồi ức đẹp trong tim. Cuốn vào màu xanh bất tận của cánh đồng lòng biết ơn vì tạo hóa đã ân huệ cho mảnh đất này được an lành, để con người quê có cơ hội lao động cần cù, biết vươn lên xây dựng cuộc sống và biến ước mơ thành hiện thực từ đôi bàn tay của chính mình. Sẽ còn mãi trong tôi những kỷ niệm về nơi trong trẻo ấy – nơi mà tôi cất giữ những ngày thơ thật bình yên.
Cần Thơ, ngày 11 tháng 06 năm 2017
Bùi Thị Ngọc Anh
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Xã Tài Văn cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí Nông thôn mới
- Biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngang khủng hoảng tài chính
- Mô hình “Dân vận khéo ở cơ sở”
- Chính phủ lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2026 - 2030
- Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh tăng theo lương cơ sở
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.