Thanh niên Dân tộc với văn hóa Dân tộc (Lượt xem: 2360)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Dân tộc và phát triển

Cập nhật: 12/01/2025

Với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm gần đây, nhiều thanh niên người dân tộc Khmer đã tìm tòi, học hỏi để làm nên những nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và những chiếc ghe Ngo thu nhỏ, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến các dân tộc khác. Anh Lý Minh Tâm ở ấp Cần Giờ 2, xã Thanh Đôn, huyện Mỹ Xuyên và anh Kim Hưng ở ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là 2 gương điển hình thanh niên giàu nghị lực, sáng tạo, tạo động lực cho các bạn trẻ về về ý chí cầu tiến trong cuộc sống.

Thanh niên Dân tộc với văn hóa Dân tộc
 Anh Lý Minh Tâm ở ấp Cần Giờ 2, xã Thanh Đôn, huyện Mỹ Xuyên sáng tạo nên nhạc cụ RôNeat-Ek.

* Thanh niên Lý Minh Tâm, ấp Cần Giờ 2, xã Thanh Đôn, huyện Mỹ Xuyên

Sinh ra và lướn lên ở ấp Cần Giờ 2, xã Thanh Đôn, huyện Mỹ Xuyên, từ nhỏ, thanh niên Lý Minh Tâm đã được tiếp xúc rất sớm các loại nhạc cụ dân tộc thông qua các dịp lễ, hội ở chùa hay các đám tiệc trong phum sóc. Minh Tâm đam mê nhất là nhạc ngũ âm mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. 

Đến khi trưởng thành rời quê đi làm ăn xa, Tâm vẫn mang theo niềm đam mê ấy. Sau đợt dịch COVID-19, năm 2021 trở về địa phương, Tâm đến bổn tự nơi gia đình Tâm và bà con trong phum sóc sinh hoạt tín ngưỡng thì biết nơi đây có dàn nhạc ngũ âm mới. Tiếng nhạc ngũ âm thắp lên trong Tâm niềm đam mê sáng tạo nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm. Và sau thời gian dài tự mài mò, nghiên cứu, Tâm đã thỏa niềm đam mê là đã sáng tạo nên nhạc cụ RôNeat-Ek trong dàn nhạc ngũ âm để giải trí. Minh Tâm chia sẻ: Vì đam mê bộ dàn ngũ âm - một phần văn hoá của dân tộc mình và muốn lưu giữ lại các nhạc cụ nên từ năm 2010, em đi theo xem bộ dàn ngũ âm của nhà chùa để học hỏi. Năm 2022, em làm nhạc cụ RôNeat-Ek đầu tiên và đăng lên mạng xã hội, nhiều người biết đến và liên hệ đặt mua. Khi bán được sản phẩm đầu tiên thì em tiếp tục công việc này cho đến nay.

Thanh niên Lý Minh Tâm kể về quá trình làm nên chiếc đàn RôNeat-Ek.

Đàn RôNeat-Ek là loại nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc ngũ âm, được nhiều người yêu thích. Từ chiếc đàn RôNeat-Ek đầu tiên được tạo nên còn chưa trọn vẹn, sau thời gian tự học hỏi, nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm, chiếc đàn RôNeat-Ek đã được Minh Tâm hoàn thiện ngày càng đạt độ chất lượng hơn. Đến nay, Minh Tâm đã trang bị đủ các thiết bị làm nghề có thể đáp ứng theo từng yêu cầu của khách hàng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, mỗi nhạc cụ RôNeat-Ek (gồm dây và thùng) được anh Tâm bán với giá giao động từ 3 đến 5 triệu đồng.

Không xem công việc làm nhạc cụ là một nghề mưu sinh mà mỗi chiếc đàn RôNeat-Ek được Minh Tâm làm nên đều thể hiện được tình yêu và lan tỏa tình yêu ấy thông qua chiếc đàn RôNeat-Ek của dân tộc. Dù là làm mới hay chỉ là sửa chữa lại nhạc cụ thì Minh Tâm cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận để từng thanh âm của nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm vang lên sẽ lan tỏa xa hơn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Tâm nói thêm, để làm nên chiếc đàn RôNeat-Ek, em sử dụng gỗ Sao và Tre mạnh tông để làm chiếc đàn RôNeat-Ek. Các công đoạn làm đều công phu, thời gian đầu, em cũng gặp nhiều khó khăn, dần dà khắc phục em mới hoàn thành một chiếc đàn hoàn chỉnh. Gia đình, Thầy dạy và Sư cả của chùa ủng hộ, em rất mừng vui.   

Hiện nay, nhiều Thanh - Thiếu niên dân tộc sử sụng đàn RôNeat-Ek khá thành thạo. Và hiện nay, Minh Tâm  còn là người trực tiếp truyền dạy cách sử dụng chiếc đàn này cho con em đồng bào dân tộc tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Minh Tâm chia sẻ thêm, em sẽ cố gắng làm được nguyên bộ dàn ngũ âm và được nhiều sản phẩm để bán cho người có nhu cầu sử dụng, vì giá bên em không cao, còn giá nhập về thì cao.

* Thanh niên Kim Hưng, ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành

Sinh ra và lớn lên tại địa phương có truyền thống về ghe Ngo của huyện Long Phú, thanh niên Kim Hưng hiện cư ngụ ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành được biết đến với sự khéo tay và tỉ mẫn trong việc làm nên chiếc ghe Ngo mi ni phục vụ việc trang trí, trưng bày, làm vật tặng phẩm dành cho những ai vốn yêu thích bộ môn đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Thanh niên Kim Hưng vẽ hoạ tiết lên chiếc ghe Ngo thu nhỏ.

Kim Hưng chia sẻ, chiếc ghe Ngo là của người Khmer và mình là người dân tộc Khmer. Từ nhỏ mình đã rất đam mê với bộ môn ghe Ngo này. Sau này ông bà, cô chú làm chiếc ghe Ngo cho con cháu chơi, mình thấy đó mà mình màì mò, học hỏi làm theo, rồi mới trau chuốt sản phẩm của mình từ từ lên đạt được cái nhìn thẩm mĩ. Chất liệu làm chiếc ghe Ngo mình chọn gỗ Bình bát và Tràm bông vàng. Trung bình thời gian để hoàn thiện 1 ciếc ghe Ngo khoảng từ 4 đến 5 ngày với nhiều kích cỡ khác nhau từ 1m đến 2m tuỳ khách hàng đặt. Cái khó là khi khách hàng đặt trang trí hoa văn theo các ngôi chùa nổi tiếng lên chiếc ghe Ngo thu nhỏ.

Không phải là công việc mưu sinh chính của gia đình, nhưng Kim Hưng dành hẳn một không gian của gia đình để phục vụ cho việc làm ghe Ngo mini phục vụ theo đơn đặt hàng của người hâm mộ ghe Ngo trong và ngoài tỉnh biết đến nhau qua các kênh, hội, nhóm yêu thích ghe Ngo. Theo Kim Hưng, công đoạn làm ghe Ngo đã cầu kỳ, tỉ mẫn đến khâu trang trí, vẽ họa tiết càng khó hơn, bởi kích thướt ghe Ngo thu nhỏ, đòi hỏi phải thật khéo léo, biết cách phối màu, cân màu, thận trọng trong từng đường nét.

Tự hào với sáng tạo nên chiếc ghe Ngo thu nhỏ được nhiều người biết đến, Kim Hưng nói, vui là vì tự tay mình làm ra sản phẩm chiếc ghe Ngo thu nhỏ để giúp cho bà con tiếp xúc gần hơn với chiếc ghe Ngo. Điều này đã tạo động lực giúp mình phát triển thêm để khách nước ngoài biết đến Sóc Trăng, biết đến bộ môn ghe Ngo Sóc Trăng và mình phấn khởi tự hào là người con Sóc Trăng.

Thanh niên Kim Hưng kể về quá trình làm nên lên chiếc ghe Ngo thu nhỏ.

Những năm gần đây, khi phong trào đua ghe Ngo mi ni trở nên phổ biến thì việc làm nên những chiếc ghe Ngo mi ni cũng ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, ngoài thanh niên Kim Hưng làm nên chiếc ghe Ngo thu nhỏ thì nhiều thanh niên là con em đồng bào dân tộc trong tỉnh cũng đã tự học hỏi, sáng tạo nên chiếc ghe Ngo sao cho giống với chiếc ghe thật của bổn tự, phum sóc mình. Thanh niên Thạch Rô Si Dol, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị cũng được biết đến với Dự án kinh doanh “Mô hình ghe Ngo mi ni lưu niệm”. Xuất thân trong gia đình có Cha là họa sĩ vẽ hoa văn cho các chùa Khmer và trang trí ghe Ngo, nên từ nhỏ Si Dol đã được Cha truyền dạy nghề, hiểu biết về gh Ngo và ý nghĩa các hoa văn và sự kết hợp màu sắc trên ghe Ngo. Từ niềm đam mê với môn đua ghe Ngo truyền thống, anh Si Dol tiếp nối truyền thống của gia đình và đến nay, đã có nhiều năm làm nghề, mang đến nhiều sản phẩm ghe Ngo mi ni phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh.  

Chiếc ghe Ngo mi ni.

Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà mỗi chiếc ghe Ngo mi ni có giá từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng. Với sự sáng tạo của mình, thanh niên  Kim Hưng và Si Dol đã truyền niềm đam mê, động lực cho nhiều thanh niên đồng bào dân tộc, bởi  ngoài mang lại giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi ghe Ngo mi ni được thiết kế, trang trí mô phỏng theo chiếc ghe Ngo thật, theo bổn tự, phục vụ việc trang trí, làm vật tặng phẩm và phục vụ Giải đua ghe Ngo mi ni  được tổ chức tại địa phương trong những năm qua.

Điển hình là tại chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành, hàng năm, Giải đua ghe Ngo mi ni được anh Huỳnh Thanh Sang, Bí thư Chi đoàn ấp Châu Thành tổ chức đã trở thành ngày hội tranh tài của những người yêu thích ghe Ngo. Giải đấu được tổ chức ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều người từ khắp các nơi đến xem những chiếc ghe Ngo thu nhỏ được lắp đặt thêm một vài chi tiết để có thể di chuyển được dưới nước khiến người xem không khỏi thích thú. Hơn hết, giải đấu đã tạo được nét văn hóa đặc trưng mang tính truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con đồng bào dân tộc địa phương, góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, quảng bá hình ảnh của ghe Ngo vốn đặc trưng của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Anh Huỳnh Thanh Sang, Bí thư Chi đoàn ấp Châu Thành nói về tổ chức Giải đua ghe Ngo mi ni.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một thì việc những thanh niên dân tộc đam mê tìm tòi, nghiên cứu làm nên những nhạc cụ hay ghe Ngo vốn được xem là đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer địa phương thật sự đáng trân trọng và phát huy. Bởi mỗi sản phẩm là một minh chứng cho tình yêu đặc biệt của thế hệ trẻ hôm nay đối với nét văn hóa truyền thống của dân tộc, là niềm tự hào dân tộc, qua đó, góp phần lan tỏa, lưu giữ, phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong xã hội hiện nay./.

Ánh Phúc, Sa Phép

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online