Thả đèn nước trong lễ xuất hạ và những câu chuyện ý nghĩa (Lượt xem: 2732)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Cập nhật: 13/10/2022

Lễ thả đèn nước là một hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào phật tử Khmer, diễn ra vào lúc chư tăng vừa xuất hạ. Đây là dịp để đồng bào tạ ơn thần đất, thần nước sau một mùa canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, nghi thức thả đèn nước còn gắn liền với những câu chuyện huyền bí và đầy ý nghĩa khác liên quan đến nghi thức đặc biệt này.

Thả đèn nước trong lễ xuất hạ và những câu chuyện ý nghĩa
Thả đèn nước là một nghi thức tôn giáo, hoạt động văn hóa đặc sắc thu hút đông đảo người dân tham gia. 

    Sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chính của hầu hết đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL. Do làm lúa nước nên đối với người Khmer thì nước là một báu vật và là biểu trưng cho sự sống. Nước kết hợp với đất, lửa và gió tạo nên vạn vật, trong đó có con người. Từ dòng nước mát lành trĩu nặng phù sa đã mang đến sự trù phú cho dãy đất đồng bằng, tạo nên cuộc sống ấm no cho người dân. Chính vì vậy, đồng bào phật tử thực hiện những nghi lễ để tạ ơn thần nước, thần đất, trong đó có lễ thả đèn nước (Lôi pro típ). Tuy nhiên, nghi thức thả đèn nước trong lễ xuất hạ của đồng bào Khmer Sóc Trăng còn có những câu chuyện dân gian khác hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc.

   Theo Thượng tọa Thạch Thươl, Trụ trì chùa Bâng Cro Chăp Thmây xã Tân Hưng, huyện Long phú, cho rằng: Nguyên nhân mà phật tử làm lễ thả đèn nước là do người xưa quan niệm rằng có một số người thân do phạm tội lỗi nên khi mất bị đày xuống địa ngục. Khi tới mùa hạ có nước thì người ta quan niệm các linh hồn này được thả về để kiếm nguồn thức ăn từ người thân của mình nên người Khmer mới làm các lễ như Lễ Đônta chẳng hạn. Và đến ngày xuất hạ khi vừa kết thúc Lễ Đônta và nước cũng rút dần nên người ta cho rằng các linh hồn này cũng bị đưa về địa ngục tiếp. Do đó người ta mới làm lễ này coi như tiễn đưa với các vật phẩm bỏ trên một thuyền bè gọi là Pro típ.  

Đèn nước được rước quanh khu dân cư.

   Từ xa xưa, Phật giáo Nam tông Khmer đã xem các yếu tố tự nhiên như cây cối, đất đai, nguồn nước… đều do chư thiên cai quản và đó chính là môi trường, là ngôi nhà chung của vạn vật. Phật giáo Nam tông Khmer nghiêm cấm lạm sát các loài sinh vật và tránh làm bẩn nguồn nước, đồng thời khuyến khích đồng bào phật tử bảo vệ môi trường thiên nhiên. Do đại đa số người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông Khmer nên một số lễ hội cũng gắn liền với những câu chuyện Phật pháp, trong đó lễ thả đèn nước cũng không ngoại lệ.

   

   Theo Thượng tọa Thạch Thươl (ảnh), Trụ trì chùa Bâng Cro Chăp Thmây xã Tân Hưng, huyện Long phú, cho rằng: Từ xa xưa cho đến nay, người Khmer luôn làm lễ thả đèn nước vào dịp xuất hạ hằng năm. Sau khi sư xuất hạ, phật tử ở phum sóc luôn cùng nhau làm lễ thả đèn nước. Người ta thường diễu hành theo thuyền hay theo xe đi quanh phum sóc có sư và achar theo tụng kinh chúc phúc, trong khi đó phật tử già, trẻ, gái, trai có cúng dường gạo, muối, trái cây… sau đó đốt nhang cầu nguyện hướng về búi tóc của Phật Thích Ca trên thiên đàng và cầu nguyện trước dấu chân của Phật ở tám hướng ở sông Nam Ma Te và núi Kuch Cha Kot. Do có câu chuyện liên quan đến dân gian và tôn giáo như thế nên đồng bào phật tử Khmer mới giữ lễ thả đèn nước cho đến bây giờ.

Người diễu hành theo xe đi quanh phum sóc có sư và achar theo tụng kinh chúc phúc.

   Từ lâu, nghi thức thả đèn nước đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong dịp lễ xuất hạ của phật tử Khmer. Trước khi đến ngày lễ đồng bào Khmer trong phum sóc háo hức cùng nhau chung tay gom góp tiền của, công sức để làm Pro típ và trang bị các vật dụng cần thiết. Những hình ảnh chiếc Pro típ lấp lánh ánh đèn với những thiết kế đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc chính là sản phẩm do chính sự chung tay đoàn kết của bà con trong bổn sóc làm nên. Ông Thạch Thương, Ban quản trị chùa Bâng Cro Chăp Thmây xã Tân Hưng, huyện Long phú, chia sẻ: Mỗi năm một lần, bà con có sự chuẩn bị cùng nhau gom góp tiền để làm thành Pro típ diễu hành trong phum sóc. Bà con cùng nhau đoàn kết lại làm Pro típ tầm 10 ngày nữa tháng mới làm thành Pro típ, ai biết gì làm nấy theo kỹ thuật dân gian không có thợ chuyên nào cả.  

  Thả đèn nước không chỉ là một nghi thức tôn giáo mà còn là hoạt động văn hóa đặc sắc thu hút sự tham gia đông đảo từ người dân hòa theo tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng. Theo đó là sự thành tâm của phật tử và tinh thần gắn kết cộng đồng phum sóc.

   Chị Thạch Thị Chanh Tha (ảnh) ở xã Tân Hưng, huyện Long phú: Năm ngoái dịch bệnh COVID-19 nên không được tham gia. Năm nay, tôi thấy rất vui khi được tham gia lễ hội.

   Sau khi đèn nước được rước quanh khu dân cư thì sẽ rước đến chùa, mang theo tiếng kinh cầu và lời giáo huấn của nhà sư khơi gợi lòng hướng thiện, thành kính giãi bày tâm tư lên Đức phật. Hàng năm, lễ thả đèn nước còn là dịp để phật tử đóng góp kinh phí cho chùa và khoản kinh phí đó được nhà chùa sử dụng để phục vụ lại cộng đồng.


Đèn nước được rước vào chùa.

   Thượng tọa Thạch Thươl, Trụ trì chùa Bâng Cro Chăp Thmây xã Tân Hưng, huyện Long phú, cho biết thêm: Kinh phí có được từ lễ thả đèn nước không lớn lắm nhưng cũng đủ để chùa trang trải phần nào điện, nước trong 3 tháng sư nhập hạ ở chùa. Hơn nữa khi có gạo nhiều, chùa có thể làm từ thiện đến với phật tử có hoàn cảnh nghèo khó. Hằng năm chùa cũng giúp được khoảng trên 200 hộ nghèo, mỗi hộ chùa giúp được khoảng 300.000 đồng và các nhu yếu phẩm như mì, gạo và muối.

Những chiếc Pro típ lấp lánh sắc màu trên sông Maspero.

   Thả đèn nước từ lâu đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Khmer Sóc Trăng. Hình ảnh những chiếc Pro típ lấp lánh sắc màu trên dòng sông Maspero luôn là điểm thu hút ánh nhìn của du khách gần, xa khi đến với Sóc Trăng trong dịp lễ hội Oóc-om-bóc hằng năm./.

 Thanh Hùng - Công Toàn

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online