Tăng cường pháp chế qua thực hiện đề án 1 - 1133 (Lượt xem: 2017)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 10/08/2016

Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác Thanh tra, tăng cường pháp chế XHCN và cũng là đơn vị được tỉnh chọn thực hiện đề án 1 – 1133 (gọi tắt là đề án 1) về “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”, sau 3 năm thực hiện đề án này, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã đạt nhiều chỉ tiêu đề ra, trong đó công tác tuyên truyền pháp luật, tăng cường và chủ động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra là những kết quả nổi bật của toàn Ngành.

Tăng cường pháp chế qua thực hiện đề án 1 - 1133
Hội nghị triển khai Tăng cường pháp chế qua thực hiện đề án 1 - 1133.

          Hơn ba năm, kể từ khi thực hiện đề án 1 – 1133 về tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, với vai trò tham mưu cho cấp ủy, UBND trong quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, tăng cường pháp chế Xã hội Chủ nghĩa, Ngành Thanh tra Sóc Trăng đã tiến hành hơn 9.500 cuộc thanh tra, bao gồm cả hành chính, kinh tế - xã hội và ngân sách, giải quyết khiếu nại tố cáo và các chuyên ngành, được đánh giá cao về hiệu quả, tạo niềm tin trong công dân. Ngoài ra, các hoạt động thanh tra diện rộng cũng được tiến hành đúng yêu cầu của trên, góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước.

Theo thống kê chung, trong 3 năm thực hiện đề án 1, toàn Ngành đã tiếp hơn 11.500 lượt công dân, tiếp nhận hơn 4.600 đơn thư các loại, ngoài ra còn tiếp nhận các khiếu nại tố cáo khác, sau thanh tra phát hiện sai phạm nhiều tỉ đồng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài chính, ngân sách, an sinh xã hội, Ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi nhiều phần sai phạm trả lại cho ngân sách, ngoài ra còn kiến nghị xử lý hình sự với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Một trong những công tác trọng tâm của đề án là chú trọng công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại và phòng chống tham nhũng, 3 năm qua, với trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong giải quyết khiếu nại tố cáo, Ngành Thanh tra đã tập trung chỉ đạo rà soát và thanh tra trách nhiệm tại các xã phường, huyện, thị xã, thành phố, công tác này một mặt không để vụ việc tồn đọng kéo dài, một mặt hỗ trợ các đơn vị giải quyết thấu đáo các khiếu nại, thắc mắc chính đáng của người dân, sau thanh tra kết quả được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, thông thường địa phương sẽ xem xét từ  cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân và xác định tính khách quan vụ việc, song cái chính là công tác hòa giải được chú trọng, nhiều địa phương làm tốt công tác hòa giải ngay khi thụ lý vụ việc, qua đó kết hợp các ngành chức năng mà thanh tra là nòng cốt trong giải quyết, từ đó tỉ lệ hòa giải thành đạt khá cao, vừa giữ gìn tình làng nghĩa xóm vừa không để vụ việc kéo dài, đây cũng là kinh nghiệm được đề án ghi nhận và nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Sau 3 năm thực hiện đề án, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, với tỉ lệ hòa giải thành đạt hơn 90%. Tình hình khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai trên địa bàn xã từng bước giảm dần, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.  

Đoàn công tác thanh tra trách nhiệm tại các xã phường.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế -ngân sách, nhất là trong thực hiện các dự án an sinh xã hội, xây dựng cơ bản và kiến thiết hạ tầng, những năm qua, khi triển khai thực hiện các mục tiêu này, nhiều địa phương đã phát sinh khiếu nại thắc mắc, những vấn đề như không công bằng, sai đối tượng hay những khuất tất phía sau các dự án giao thông nông thôn, cấp đất, thu hồi đất …  luôn được người dân phản ánh, đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, sai phạm đôi khi khó phát hiện, nhưng qua công tác tuyên truyền, qua hoạt động giải quyết khiếu tố cáo và qua thanh tra kiểm soát vừa góp phần đảm bảo thực hiện dự án, vừa nâng cao niềm tin trong người dân.

Vừa qua trong hội nghị tổng kết đề án 1, với vai trò chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh, Ngành Thanh tra đã đánh giá khá cụ thể kết quả đề án, tuy còn những hạn chế, khó khăn nhất định, nhưng bằng những kết quả đạt được, đề án được đánh giá cao về hiệu quả, nhất là trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính Nhà nước, qua đó giữ gìn kỷ cương và tăng cường pháp chế trong hoạt động quản lý. Sau 3 năm tính đến tháng 6/2016, trong thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo nói chung, toàn Ngành Thanh tra nói riêng, đã tập trung thực hiện kế hoạch chuyên ngành và chương trình hành động số 41 của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo, giải quyết tốt các đơn thư tồn đọng, không để phát sinh điểm nóng, đồng thời tập trung thanh tra chuyên đề theo kế hoạch của Tổng thanh tra Chính phủ trên các lĩnh vực tài chính ngân sách, đặc biệt là thanh tra về phòng chống tham nhũng mà định hướng chỉ đạo chung của Chính phủ đề ra. Thực tế những năm qua, hiệu quả từ thực hiện đề án 1 được đánh giá đúng cả về quy mô và tính chất, không chỉ trong cán bộ công chức mà người dân cũng tiếp cận và nắm bắt các quy định pháp luật khi cần, đặc biệt là trong lĩnh vực khiếu nại tố cáo, qua đó đã rút ra kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao hơn hiệu quả đề án. Ông Huỳnh Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng, cho biết: “Trong quá trình thực hiện đề án, Sở Tư pháp phối hợp tốt với MTTQ các cấp để xây dựng lực lượng hòa giải cơ sở, nắm vững đối tượng để tuyên truyền cho sâu sát, tránh tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp, xảy ra những tranh chấp không đáng có. Có như thế thì việc thực hiện đề án mới thật sự hiệu quả”.

Một trong những nội dung được đúc kết và cần nhân rộng không chỉ là tuyên truyền pháp luật, bởi đôi khi việc tuyên truyền giải thích pháp luật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là con người, trình độ, năng lực … cho nên để đề án tiếp tục nâng cao hiệu quả thì trong công tác tuyên truyền cần thiết nhất là đúng thời điểm, đúng nội dung và cũng rất cần thiết phải phong phú về hình thức, đa dạng trong diễn giải tuyên truyền, thu hút người nghe, mặt khác khi tuyên truyền luật là giải đáp qua văn bản và trong thực tiễn đời sống khi có sự kiện tương tự xảy ra, thì cũng phải được áp dụng pháp luật đồng bộ để giải quyết như đã giải thích tuyên truyền, điều này vừa nâng cao hiệu lực đề án, vừa tăng cường lòng tin trong nhân dân. Ông Trần Văn Bé Tư, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho rằng: “Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến đề án, cần có cách làm sinh động, gần dân, giúp dân dễ hiểu, dễ nắm bắt như: Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải viên giỏi … Có như vậy sẽ tạo chuyển biến, hiểu biết trong dân sâu rộng hơn, nâng cao trình độ cho cán bộ tuyên truyền ở cơ sở”.  

Khen thường tập thể và cá nhân thực hiện tốt đề án 1 - 1133

Sau tổng kết này, những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay cách làm tốt được rút ra khá chi tiết và cụ thể, trong đó, bên cạnh những vấn đề về cơ sở vật chất như loa tay, cụm loa không dây đến nhiều khu vực vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu vực nông thôn, thì những nội dung khác như tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỷ năng tuyên truyền, nghiệp vụ tiếp công dân… cũng được đề cập rất sâu sát, ngoài ra UBND tỉnh đã có nhiều nội dung chỉ đạo chặt chẽ và đồng bộ cho từng ngành, địa phương, nhất là những đề xuất, kiến nghị để tổng hợp trình Tỉnh ủy, để đề án 1 tiếp tục phát huy hiệu quả trong những năm tới. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, phát biểu: “Để phát huy hơn nữa công tác tăng cường pháp chế qua thực hiện đề án 1 – 1133 thì các Sở, ngành và địa phương phải coi công tác giáo dục, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị phải có nghiên cứu để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, sao cho phù hợp với đối tượng, địa bàn”.

Với kết quả được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề án 1 giai đoạn 2013 - 2016, những tháng cuối năm 2016 và những năm tới, bên cạnh việc tăng cường phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến các quy định về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Ban Chỉ đạo đề án 1 sẽ tiếp tục quán triệt Thông tư số 07 của Tổng Thanh tra Chính phủ về quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đây là quy trình được phân cấp và trình tự chặt chẽ từ cấp xã phường đến các cơ quan thẩm quyền, ngoài ra còn có quy trình về giải quyết tố cáo với cán bộ công chức các cấp. Đây sẽ là cơ sở hỗ trợ thêm các cơ quan quản lý Nhà nước từ xã phường đến các cấp, giải quyết tốt công việc cho người dân, vừa đảm bảo quyền công dân, vừa tăng cường thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, giảm thiểu và hạn chế khiếu nại vượt cấp, sai thẩm quyền, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính./.

Quang Nhuần


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online