Sóc Trăng: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác dân tộc (Lượt xem: 2012)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đoàn thể

Cập nhật: 31/07/2024

Từ năm 2019 - 2024, với sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp Chính quyền tỉnh Sóc Trăng, công tác dân tộc đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực: Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp đồng bộ; chất lượng giáo dục và y tế ngày càng được cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao…   

Sóc Trăng: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác dân tộc
Hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò.

Tại huyện Mỹ Xuyên, từ năm 2019, song hành với triển khai, thực hiện kịp thời Chương trình xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã của huyện Mỹ Xuyên đã có đường ô tô đến trung tâm, người dân thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hoá. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các Trạm Y tế và Trường học tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các Trạm Y tế tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, huyện Mỹ Xuyên đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; là địa phương đứng thứ 2 về thành tích giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ còn 1,28% hộ nghèo; 8/8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Lý Son người dân ở âp xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, nói: Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, hỗ trợ vật nuôi, làm lộ, nạo nét kênh thuỷ lợi nên người dân thuận lợi làm ăn, buôn bán, con cháu đi học dễ dàng, cuộc sống của nhân dân phát triển lên nhiều lắm.

“Từ sự đầu tư của Nhà nước, người dân đồng lòng tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào của địa phương, từ đó bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc và đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá hơn. Mỗi năm, xã Tham Đôn giảm từ 15-20 hộ nghèo, hiện chỉ còn 36 hộ nghèo”, ông Tăng Trung Bảo (ảnh dưới) - Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, cho biết.

 

Thị xã Vĩnh Châu có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số (Khmer: 52,35%; Hoa: 16,71%). Từ năm 2019, thị xã đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện các chương trình, đến nay kinh tế - xã hội của thị xã đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Ông Dương Quốc Anh - Hội trưởng Hội Châu Quang, thị xã Vĩnh Châu, nói: Nhờ Nhà nước đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị xanh - sạch - đẹp nên so với trước đây, Vĩnh Châu bây giờ đã thay đổi rất nhiều, người dân làm ăn phát đạt hơn trước đây.   

Việc triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia không chỉ cải thiện điều kiện sống của người dân mà còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo ở Vĩnh Châu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển bền vững. Đến nay, hộ nghèo là người dân tộc chỉ còn 3,52% và hộ cận nghèo là người dân tộc chỉ còn 12,63%; đã hỗ trợ 1.235 căn nhà ở với kinh phí 58 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở cho 84 hộ với số tiền trên 3 tỷ 500 triệu đồng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 1.053 hộ với số vốn đầu tư 10 tỷ 500 triệu đồng; hỗ trợ 503 hộ có nước sinh hoạt phân tán với số tiền 1 tỷ 200 triệu đồng và hỗ trợ các mô hình làm ăn gần 5 tỷ đồng. 

Ông Phan Thanh Lâm (giữa ảnh) tham quan mô hình nuôi Dê của hộ được hỗ trợ vốn. 

“Hằng năm địa phương vận động những hộ chí thú làm ăn, có ý thức vươn lên thoát nghèo, cận nghèo để hỗ trợ vốn làm ăn (phải có đơn xin hỗ trợ; đơn xin thoát nghèo, cận nghèo). Địa phương đã đẩy mạnh vận động vừa đào tạo nghề, vừa hỗ trợ vốn để người dân phát triển sản xuất. Nhìn chung, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia hỗ trợ hết sức thiết thực cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, phường Khánh Hòa đã giảm được 55 hộ nghèo, đạt 112% so chỉ tiêu UBND thị xã Vĩnh Châu giao”, ông Phan Thanh Lâm (ảnh trên) - Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, cho biết.  

Huyện Trần Đề có gần 50% dân số là đồng bào Khmer. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện đã hỗ trợ tiền điện cho 4.000 lượt hộ nghèo; cấp 414 thẻ Bảo hiểm Y tế cho người nghèo và 836 Thẻ cho người cận nghèo; hỗ trợ đất ở cho 37 hộ, xây dựng nhà ở cho 344 hộ và chuyển đổi nghề cho 360 hộ; đã xây dựng mới 519 công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học và các công trình công cộng khác (đã đưa vào sử dụng 451 công trình). Đến cuối năm 2023, huyện Trần Đề còn 723 hộ nghèo (chiếm 2,43%), hộ cận nghèo còn 1.213 hộ (chiếm 4,07%). Những hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp người dân - đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện điều kiện làm ăn, vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Sơn Hiền ở ấp Tài Công, nói: Tôi thấy Nhà nước đầu tư nhiều cho xã Tài Văn như sửa chữa, làm lộ mới để người dân thuận lợi trong học hành, vận chuyển hàng hoá, kinh doanh, sản xuất.

 

Trong thành quả phát triển của địa phương có những đóng góp tích cực, hiệu quả của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang làm cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Người có uy tín đã truyền cảm hứng về nhận thức, tạo động lực về hành động để đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết cùng địa phương chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương phát triển. Là người có uy tín xã Tài Văn, huyện Trần Đề, ông Trần Sà Rương (ảnh trên), chia sẻ: Người có uy tín phát tâm từ tấm lòng muốn làm cho phum sóc, đất nước đoàn kết, phát triển. Tất cả những tốt đẹp, phát triển, mình phải đem đi chia sẻ với tất cả mọi người. Là người dân sống trên đất nước Việt Nam luôn luôn phải đoàn kết, chia sẻ những gì tốt đẹp, phát triển với nhau; những người chưa biết thì mình phải nói cho người ta biết.

Dự kiến ngày 16/8 tới đây, Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ được tổ chức. Những thành quả đạt được từ công tác dân tộc trong thời gian qua sẽ là tiền đề, tạo động lực để cả hệ thống chính trị và các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng tiếp tục duy trì và sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững./.

 Ngọc Diễm, Bảo Quân


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online