Sóc Trăng: Chủ động giải pháp canh tác hiệu quả vụ lúa Hè Thu năm 2024   (Lượt xem: 3353)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 14/05/2024

Nếu nông dân Sóc Trăng lo ngại tình trạng nắng hạn, mặn xâm nhập trong vụ lúa Đông Xuân thì ở vụ lúa Hè Thu mưa, bão dễ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng lúa. Năm 2024, nhằm chuẩn bị tốt cho vụ lúa Hè Thu, các địa phương phối hợp cùng ngành chuyên môn chủ động xây dựng lịch thời vụ gieo sạ, khuyến cáo quản lý dịch hại trên cây lúa để bảo toàn năng suất và chất lượng lúa cho nhà nông.

Sóc Trăng: Chủ động giải pháp canh tác hiệu quả vụ lúa Hè Thu năm 2024  
 Nông dân gieo sạ lúa Hè Thu.

Thuộc địa hình vùng trũng, lại là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm, thị xã Ngã Năm có diện tích canh tác lúa 18.500 ha. Ở vụ lúa Đông Xuân, vùng đất Ngã Năm không bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa, bão, nhất là vào cuối vụ lúa Hè Thu. Để bảo toàn năng suất và chất lượng vụ lúa này, ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ gieo sạ và dự báo khuyến cáo phòng ngừa dịch hại cho nhà nông. Đến nay, Ngã Năm đã xuống giống đạt 100% diện tích theo kế hoạch, trà lúa đang ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh.  

Năm 2024, lịch gieo sạ vụ lúa Hè Thu đã được địa phương dịch chuyển sớm hơn từ 10 đến 15 ngày so với cùng kỳ nhiều năm. “Từ ngày 10/3 bắt đầu xuống giống; đến ngày 10/4 sẽ xuống giống dứt điểm để khi đến kỳ thu hoạch lúa, bà con tránh được mưa, bão hoặc ngập úng. Hiện nay, Trạm bơm khép kín cũng đã đạt khoảng 50%, và giao cho các địa phương trực tiếp quản lý, vận hành, đảm bảo điều tiết tốt nước phục vụ sản xuất cho bà con ở vụ lúa Hè Thu này”, ông Lưu Tấn Hoà - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Ngã Năm, cho biết.

Phòng, trừ dịch hại trên lúa Hè Thu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng, Thủy văn Nam Bộ, tại Nam Bộ, mùa mưa năm 2024 bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 5 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11. Với tỉnh Sóc Trăng, đây là thời điểm trà lúa Hè Thu ở nhiều địa phương vào giai đoạn trổ chín, một số nơi bắt đầu thu hoạch. Để tránh thất thu về năng suất trong giai đoạn này, nhiều nông dân đã gieo sạ các giống lúa cứng cây, ít đổ ngã, canh tác theo quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nông dân chủ động thăm đồng thường xuyên để kịp thời quản lý hiệu quả các đối tượng dịch hại. Chia sẻ kinh nghiệm trồng vụ lúa Hè Thu, ông Nguyễn Tú Nhi ở xã Tân Long, TX. Ngã Năm nói: Ngã Năm thuộc vùng đất trũng, phèn nên đa số bà con chọn giống OM18 để canh tác ít bị đổ ngả hơn so với các giống khác. Giống này thường sau sạ 1 tháng mới bệnh nên bà con chủ động phòng ngừa trước các bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân.   

Theo ông Võ Văn Mai ở ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, chia sẻ kinh nghiệm: Đầu vụ lúa Hè Thu thường thấy có 3 loại dịch hại chủ yếu là Ốc Bươu Vàng, Bọ Trĩ và Đạo Ôn. Khi Ốc Bươu Vàng xuất hiện nhiều thì rải hoặc xịt thuốc; xuất hiện Bọ Trĩ thì dẫn nước vô rồi rải phân; riêng bệnh Đạo Ôn thì bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm…

Trong thời gian tới, Căn cứ dự báo về tình hình Khí tượng, Thủy văn, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng lịch thời vụ khuyến cáo xuống giống cho vụ lúa Hè Thu năm 2024:

Đợt 1: Từ đầu tháng 4 đến ngày 30/4. 

Đợt 2: Xuống giống từ ngày 1/5 đến ngày 31/5.

Đợt 3: Kết thúc gieo sạ trước ngày 30/6.

Ông Trần Vĩnh Nghi (áo trắng) - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khảo sát công tác chuẩn bị gieo sạ lúa.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống lúa Hè Thu được trên 35.000 ha tại các huyện Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm. Đối với phần diện tích còn lại, ngành chuyên môn lưu ý bà con nông dân cần cân nhắc thời điểm xuống giống phù hợp với đặc điểm địa hình và điều kiện nguồn nước tại địa phương, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo khung lịch chung đã được tỉnh khuyến cáo. 

“Đối với bà con sản xuất ở những vùng đất cao không chủ động được nguồn nước và ruộng đã từng chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập vào cuối vụ Đông Xuân, thì không nên xuống giống vội mà cần phải đợi mưa nhiều, khi đó tiến hành rửa kĩ phèn, mặn trong đất, đến khi kiểm tra độ mặn trong đất đạt dưới 1‰ mới bắt đầu xuống giống.

Đối với bà con sản xuất ở vùng trũng các huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm thì cần xuống giống sớm để không bị thất thoát năng suất do ảnh hưởng của mưa, bão vào cuối vụ. 

Để đảm bảo năng suất và chất lượng cho hạt lúa, ngay từ đầu vụ bà con nông dân nên áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật “1 phải - 5 giảm”, áp dụng biện pháp tưới ngập - khô xen kẽ để giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngả trong điều kiện mưa, bão. Bà con bón cân đối phân NPK, hạn chế bón thừa phân đạm, có thể tăng cường thêm các loại phân Kali hoặc bổ sung thêm một số loại phân bón lá để đảm bảo lúa cứng cây…”, ông Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo.   

Sản xuất lúa Hè Thu thành công, đòi hỏi bà con nông dân phải linh hoạt trong việc bố trí lịch mùa vụ cũng như cơ cấu giống lúa phù hợp để hạn chế thấp nhất rủi ro. Bên cạnh đó là thường xuyên cập nhập thông tin từ ngành nông nghiệp về Khí tượng, Thủy văn và vận hành các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, chủ động phòng ngừa các loại dịch hại phát sinh trên trà lúa./.

Bình Trọng, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online