Sản xuất lúa bằng công nghệ thông minh (Lượt xem: 1730)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 25/08/2024

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đã tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy lợi thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp để phát triển tiềm năng kinh tế nông nghiệp. Chuyện khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành, tăng lợi nhuận đang được ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai, nhân rộng, nhất là trong sản xuất lúa.

Sản xuất lúa bằng công nghệ thông minh
Quét mã QR trên diện tích cánh đồng thông minh để thuận tiện trong quản lý sản xuất lúa.

Hiện nay, xã Phú Tân, huyện Châu Thành là một trong những địa phương đang thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới với điểm nhấn là việc xây dựng cánh đồng thông minh với diện tích 63 ha tại HTX Nông nghiệp Phước An. Thực hiện mô hình, nông dân trong HTX được tập huấn các kĩ thuật mới, sử dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, sử dụng thiết bị gieo sạ cụm nên giảm lượng giống từ 50 đến 60 kg/ha; sử dụng thiết bị bay để phun xịt thuốc, phân giảm 2 đến 3 lần phun/vụ.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, để có kế hoạch sản xuất phù hợp, quản lý dịch hại trên lúa hiệu quả, HTX còn được hỗ trợ lắp đặt các Trạm quan trắc nước tự động để dự báo kịp thời về mực nước và tình trạng mặn xâm nhập; được hỗ trợ bẫy đèn điện tử để giám sát sâu rầy. Mới đây, HTX đã triển khai việc quét mã QR trên diện tích cánh đồng thông minh để thuận tiện trong quản lý, giúp thương lái cũng như người dân chủ động nắm được thông tin về diện tích, giống lúa, lượng phân bón... việc ứng dụng công nghệ trong ghi chép nhật ký đồng ruộng, truy xuất nguồn gốc, HTX hướng đến sản xuất tập trung, đưa công nghệ số vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lâm Phương Tùng - Giám đốc HTX, cho biết thông qua điện thoại thông minh, Trạm quan trắc nước giúp thành viên HTX theo dõi chính xác độ mặn vào bất cứ thời điểm nào; Trạm quan trắc sâu rầy thì giúp thành viên HTX xem mật độ sâu rầy là bao nhiêu để phun thuốc, bón phân cho hiệu quả, tránh lãng phí. Qua đó tiết kiệm được chi phí, lợi nhuận tăng từ 20 - 30% so với cách làm truyền thống.

 Máy sạ chụm.

Tại huyện Long Phú, HTX Tân Hưng Phú ở ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng đã ứng dụng khoa học công nghệ và đạt hiệu quả cao trong canh tác lúa. Hiện nay, hầu hết ruộng lúa của các thành viên đều dùng phương tiện bay điều khiển từ xa để sạ lúa, bón phân, phun thuốc, giúp nông dân tiết kiệm từ 1.500.000 đồng - 2.000.000 đồng/ha so với phương thức thủ công trước đây.

Năm 2023, HTX Tân Hưng Phú còn được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ xây dựng Bản đồ số và cài đặt Nhật ký điện tử để các thành viên cập nhập thông tin khá đầy đủ về diện tích canh tác, quy mô sản lượng lúa. Đây còn là cơ sở thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX, THT tác với các công ty, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người trực tiếp sản xuất đối với sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường.

Phương tiện bay điều khiển từ xa để sạ lúa, bón phân, phun thuốc.

Theo ông Hồ Thanh Liêm - Giám đốc HTX, sau khi cài đặt ứng dụng và qua quá trình sử dụng Nhật ký điện tử trên điện thoại thì các thành viên HTX đều thấy rất tiện ích. Mọi thông tin về tình hình sản xuất đều được cập nhập rõ trên ứng dụng để doanh nghiệp có thể tìm hiểu kĩ, từ đó kết nối thu mua lúa của HTX khi thu hoạch. Tới đây, HTX cũng có định hướng sẽ làm nhãn mác cho gạo ST25 từ lúa được sản xuất tại HTX để đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP.

Nhật ký sản xuất được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng canh tác đạt trên 320.000 ha lúa, với sản lượng trên 2 triệu tấn. Tuy nhiên thời gian qua, khi đến mùa vụ lúa thì tỉnh lại thiếu hụt lao động. Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất được xem là bước phát triển tất yếu trong canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, đòi hỏi người nông dân phải thích ứng để duy trì sản xuất hiệu quả và bền vững.

Theo tiến sĩ Trần Tấn Phương (ảnh dưới) - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trước những thách thức khó khăn ngành hàng lúa gạo của Việt Nam cũng như là của tỉnh Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đặc biệt là các hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải nhà kín, giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cho bà con nông dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, kể cả doanh nghiệp, để nhằm giưới thiệu những sản phẩm lúa gạo giảm phát thải nhà kín đến bà con nông dân.

Bên cạnh giảm được sức người, giảm giá thành sản xuất, ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất lúa còn góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới. Qua đó, giúp người dân duy trì tốt sinh kế và gia tăng thu nhập trên cùng một đơn vị đất canh tác trước nhiều biến động như hiện nay./.

Văn Đại, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online