Phòng, tránh bệnh Tay - Chân - Miệng và Sốt xuất huyết vào mùa   (Lượt xem: 3456)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 30/05/2024

Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng hiện đang điều trị cho khoảng 15 trẻ mắc bệnh Sốt xuất huyết và 16 trẻ mắc bệnh Tay - Chân - Miệng. Theo thống kê, số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, còn số ca mắc bệnh Sốt xuất huyết thường gia tăng vào mùa mưa. Để chủ động phòng, tránh bệnh cho trẻ cũng như tăng hiệu quả điều trị bệnh, phụ huynh cần trang bị kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con em, trong đó, phòng bệnh là giải pháp ưu tiên nhất. 

Phòng, tránh bệnh Tay - Chân - Miệng và Sốt xuất huyết vào mùa  
Điều trị bệnh Tay - Chân - Miệng cho trẻ tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm đến hết ngày 27/5, toàn tỉnh ghi nhận 432 ca mắc Sốt xuất huyết, thấp hơn so cùng kỳ 2023. Sốt xuất huyết ở trẻ em có một số triệu chứng như: trẻ sốt cao đột ngột và liên tục, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có chấm xuất huyết dưới da, đau cơ khớp, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Tuy nhiên, những biểu hiện này thường bị phụ huynh bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến tình trạng trẻ được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển biến nặng. Như trường hợp con của anh Nguyễn Minh Trắng (ảnh dưới) ở phường 2, TX. Vĩnh Châu đang nhập viện điều trị Sốt xuất huyết tại bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng.


Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng ở gan và thận. Sau khi mắc Sốt xuất huyết lần 1, trẻ sẽ có miễn dịch với type virus gây bệnh nhưng không có miễn dịch chéo với các type còn lại, do đó, vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Theo bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, để phòng bệnh Sốt xuất huyết hiệu quả, có 6 điều phụ huynh cần lưu ý, đó là:

- Thứ 1: Thường xuyên kiểm tra, diệt Lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng ngày; đậy nắp các bể, các dụng cụ chứa nước, thả cá diệt Lăng quăng;

- Thứ 2: Thường xuyên thay nước các lọ hoa, thả muối để diệt Bọ gậy

- Thứ 3: Loại bỏ các vật phế thải, lật úp những vật dụng không sử dụng để muỗi không có nơi đẻ trứng

- Thứ 4: Nên ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, sử dụng kem chống mũi, thuốc diệt muỗi để tránh trẻ bị muỗi đốt.

- Thứ 5: Tích cực phối hợp cùng ngành Y tế diệt Bọ gậy, Lăng quăng

- Thứ 6: Đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám khi có biểu hiện nóng, sốt để có sự tư vấn, điều trị phù hợp, không nên tự ý điều trị bệnh cho trẻ tại nhà.

Bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng. 

Đối với bệnh Tay - Chân - Miệng, tính từ đầu năm đến ngày 27/5, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận 500 ca mắc. “Thời điểm này các năm trước, số ca mắc Tay - Chân - Miệng trên địa bàn tỉnh đã giảm, tuy nhiên năm nay, số ca mắc vẫn còn tăng và diễn biến rất nặng. Bệnh thường có các biểu hiện như: trẻ bị sốt, sốt kéo dài trên 48 giờ; trẻ có triệu chứng giật mình; trẻ nằm nhiều, ít hoạt động; nôn ói nhiều (khoảng 3 lần/1 giờ); trẻ bú ít, ăn uống kém; trẻ không đi tiểu trong 6 giờ”, bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình, cho hay.

Cha mẹ cần theo dõi những biểu hiện bệnh bất thường để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. 

Bệnh Tay - Chân - Miệng ở giai đoạn nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng ở não và phổi. Trẻ đã mắc Tay - Chân - Miệng tạo được miễn dịch nhưng không bền vững và vẫn có thể mắc lại, khi đó, diễn biến bệnh sẽ nặng hơn lần đầu. Bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình lưu ý, để phòng ngừa bệnh Tay - Chân - Miệng hiệu quả, phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh tay, chân cho trẻ bằng xà bông; giữ vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ và môi trường xung quanh; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thanh - Thiếu niên và người lớn cũng có thể mắc bệnh Tay - Chân - Miệng, là nguồn lây cho trẻ nhỏ, do đó, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.

Đã có nhiều trường hợp trẻ phải nằm điều trị ở phòng hồi sức cấp cứu do bệnh Tay - Chân - Miệng và Sốt xuất huyết diễn tiến nặng. Việc phát hiện bệnh sớm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị bệnh là yếu tố quan trọng giúp trẻ hồi phục, tránh các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, phụ huynh cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh được ngành Y tế khuyến cáo để bảo vệ sức khoẻ cho con, em mình./.

Mỹ Phương - Lâm Huy

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online