Nông dân Kế Sách xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân sớm 2023 - 2024 (Lượt xem: 2095)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 22/10/2023

Trong vụ lúa Hè Thu năm 2023, nông dân huyện Kế Sách đã xuống giống 9.314ha, năng suất bình quân 5,5 - 6,5 tấn/ha, nông dân phấn khởi vì năng suất lúa ổn định, giá lúa cao, sau khi trừ chi phí còn lãi bình quân từ 18 - 22 triệu đồng/ha, cao hơn vụ Hè Thu năm 2022 là 5 triệu đồng/ha. Ở vụ lúa Đông Xuân sớm 2023-2024, đến thời điểm này, bà con đã xuống giống dứt điểm, với diện tích 8.768ha.

Nông dân Kế Sách xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân sớm 2023 - 2024
 Nông dân dặm lúa Đông Xuân sớm.

Hộ ông Dương Hùng Mẫn ở ấp 9 xã Trinh Phú có 25 công ruộng, vụ Hè Thu 2023, ông Mẫn sạ giống OM 54-51, năng suất đạt gần 750kg/công tầm cấy, trừ chi phí ông còn lãi trên 75 triệu đồng. Ở vụ Đông Xuân sớm 2023-2024 này “Tôi sạ giống lúa OM 34 để cải tạo bộ rễ, tránh rủi ro. Hy vọng giá vật tư bình ổn, giá bán như vụ Hè Thu hoặc cao hơn thì nông dân sẽ phấn khởi hơn”, ông Mẫn nói.

Sạ lúa bằng máy.

Đến thời điểm này, nông dân Kế Sách đã xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân sớm 2023-2024 với diện tích 8.768ha, giảm 546ha so vụ lúa Hè Thu (do bà con chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang làm vườn và trồng hoa, màu). Nông dân Kế Sách chủ yếu sử dụng các giống lúa như: OM 380, OM 54-51, OM 18, OM34, Đài Thơm 8... Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh và phát triển tốt. Nông dân đang tích cực chăm sóc lúa ở đầu vụ như: Diệt cỏ, ốc bươu vàng, chuột, cấy dặm…

Đặc biệt trong vụ lúa này, thành viên các HTX Nông nghiệp và nhiều nông dân đã đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất lúa như: Sạ lúa, bón phân, phun thuốc đều bằng máy… giúp nông dân giảm đáng kể lượng lúa giống, rút ngắn thời gian, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, bảo vệ sức khỏe nông dân, giảm chi phí và tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Có 4 ha ruộng sạ giống OM 34, ông Trần Văn Kiệt - Giám đốc HTX nông nghiệp 22/12 ấp 9, xã Trinh Phú nói: “Tôi hợp đồng máy bay xịt thuốc, sạ bằng máy phun hạt, bón phân bằng máy phun, chi phí nhẹ hơn mướn phun bằng bình”.

Ngành Nông nghiệp địa phương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, kịp thời hỗ trợ nông dân khi có dịch bệnh xảy ra. Kỹ sư Trần Thành Toàn (ảnh trên) - Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách khuyến cáo "bà con trồng lúa chú ý các đối tượng dịch hại như Rầy nâu, Rầy phấn trắng, cháy bìa lá, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông. Trạm phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra để có khuyến cáo giúp bà con quản lý, phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Bà con gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét kênh mương trữ nước ngọt để chủ động ứng phó với hạn, mặn; phải kiểm tra nồng độ trong nước trước khi lấy nước vào ruộng; thường xuyên cập nhật tình hình mặn xâm nhập qua các Trạm quang trắc của huyện, Zalo của xã để có biện pháp ứng phó kịp thời". 

Nông dân huyện Kế Sách kỳ vọng tiếp tục có thêm một vụ lúa thành công./.

Văn Hiệp


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online