Ngào ngạt quê hương - Trương Trung Hưng (Lượt xem: 5100)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Cứ mỗi độ kết thúc mùa gặt vất vả ở quê, tôi lại cùng hai đứa em ra ngoài đồng săn lùng một loại rau, với cái tên đơn giản là “rau khúc”, nhưng đến giờ tôi cũng chưa hiểu sao người xưa lại đặt cho nó cái tên như vậy. Việc săn lùng rau khúc khá khó khăn, mỗi ruộng mấy đứa nhỏ mới nhổ được một nắm tay, nhiều lắm cũng chừng một lạng, mà muốn làm để đủ mấy cả đám ăn thì phải cần cả cân rau khúc. Mấy anh em miệt mài đi thu lượm cả buổi chiều để tối về cùng mẹ làm bánh, tên bánh cũng được đặt từ tên cây – bánh khúc.

 Ngào ngạt quê hương - Trương Trung Hưng
Ngào ngạt quê hương

(Nguyên bản của tác giả)

Thu vừa chạm ngõ bằng cơn gió nhè nhẹ, khô. Gió miên man lách qua từng thớ ngõ nhỏ, gió mang theo hương sớm của đồng quê bát ngát, đậy chặt cảm giác nhớ nhung về một tuổi thơ thanh khiết. Những vòng cu quay xoáy tít, những cây cuội gà lổn nhổn khắp đường đồng hay những mảng đất sét được lũ trẻ chất đầy thúng mang về chơi “pháo nổ pháo lang” cứ đượm đượm trong tâm trí người con xa quê.

Ngày đó, nhà tôi nằm gần cánh đồng làng, vị trí khá lý tưởng để thả mình chạy tung tăng trên những mô đất ngoài đồng, và tìm kiếm những thứ lạ lạ đầy mê hoặc.

Cứ mỗi độ kết thúc mùa gặt vất vả ở quê, tôi lại cùng hai đứa em ra ngoài đồng săn lùng một loại rau, với cái tên đơn giản là “rau khúc”, nhưng đến giờ tôi cũng chưa hiểu sao người xưa lại đặt cho nó cái tên như vậy. Việc săn lùng rau khúc khá khó khăn, mỗi ruộng mấy đứa nhỏ mới nhổ được một nắm tay, nhiều lắm cũng chừng một lạng, mà muốn làm để đủ mấy cả đám ăn thì phải cần cả cân rau khúc. Mấy anh em miệt mài đi thu lượm cả buổi chiều để tối về cùng mẹ làm bánh, tên bánh cũng được đặt từ tên cây – bánh khúc.

 

Thường mỗi lần mấy đứa lấy được nhiều rau khúc về là lại hào hứng khoe với mẹ, được mẹ khen và cùng làm bánh. Nguyên liệu cho món bánh khúc cũng là những thứ đơn giản như bột gạo nếp, thịt mỡ lợn, muối làm gia vị, lá chuối. Đầu tiên, mẹ bảo chúng tôi nhặt rau, loại bỏ phần thân cứng và rễ, sau đó dùng chày, cối để giã thật nhuyễn rau khúc ra chuyển vào cái bát to đã mẻ sau nhiều lần va đập. Gạo nếp  được mẹ nhờ người ta say thành bột, lấy bột đổ vào rau khúc đã được giã nhuyễn lúc nẫy, cân đối thêm nước vừa đủ sau đó trộn đều hỗn hợp bột gạo và rau nhuyễn thành dạng đặc, có thể vê tròn mà không bị nứt. Thịt lợn thì phải chọn loại ít nạc nhiều mỡ hoặc mỡ nguyên sẽ là ngon nhất, đem thịt lợn ướt với muối hoặc nước mắm và mỳ chính khoảng mười lăm phút. Lá chuối được rửa sạch, trần qua nước sôi để ráo nước, và được cắt to bé tùy theo cỡ bánh muốn làm. Tôi thường được mẹ giao cho nhiệm vụ rửa lá chuối, có lẽ lý do là tôi thường được mẹ khen là đứa rửa bát sạch nhất trong mấy anh em.

Bột dẻo mịn được nhuộm màu xanh của rau khúc, nhân là miếng thịt lợn được tẩm ướp gia vị, vỏ ngoài là lá chuối. Cả chục cái bánh được xếp gọn gàng vào xoong, nước đổ ngập mặt bánh và chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ trông nồi bánh, đun sôi khoảng năm mười phút thì ngâm thêm mười lăm phút nữ là bánh chín, tỏa mùi thơm đặc trưng của đồng quê.

Bánh khúc nóng hổi, thơm lừng đã hoàn thành chỉ qua vài bước đơn giản vậy, anh em chúng tôi xúm vào nhau cùng bóc từng cái bánh, vui vẻ cười đùa, kể về chiến tích của mình ngày hôm đó. Tôi nhớ nhất lúc cắn tới phần nhân thịt mỡ, vị ngậy ngậy của thịt sao lại hợp với thứ bánh đến vậy, cảm giác không thứ nhân nào trên thế giới sánh bằng.

Có những thứ vô cùng giản đơn, bình dị lại đem lại những điều thật đáng nhớ, khiến mỗi con người từng gắn bỏ những chuỗi ngày thơ ấu sẽ mãi không bao giờ quên. Ôi cái cảm giác đó ngập tràn trong tôi, cái cảm giác hái được một rổ rau khúc thật lớn, cảm giác được mẹ khen, cảm giác anh em trong nhà quây quần làm bánh thậm chí còn giằng nhau “chiến lợi phẩm”  thật là ấm áp.

Giờ thấy bánh khúc bán nhiều tại các bến xe, bến đò, đôi lúc thèm dừng lại mà mua một hai chiếc cho tuổi thơ trỗi dậy, nhưng lại nghe đâu đây những vụ thực phẩm bẩn do các đài báo phanh phui mà tỏ ra lưỡng lự. Lúc thì bánh chưng được nấu bằng pin, được nhuộm phẩm xanh, dùng chất bảo quản để giữ được hàng tháng, còn bánh khúc thì chỉ được dăm ba sợi rau khúc còn lại là những loại lá mà khi chín lên rồi người ta khó lòng nhận ra là rau gì.

Âu cũng chỉ trách họ được một phần, khi người bán là những đứa trẻ con đang tuổi ăn tuổi học phải bỏ dở lên thành phố bán bánh khúc, thương bọn trẻ mà dúi tiền cho chúng mà không lấy bánh. Có trách thì phải trách lương tâm của người làm ra các sản phẩm không tốt, vừa làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác vừa tiếp thêm nhịp cho sự loạn lạc của lương tâm.

Ngay chính trên cánh đồng quê tôi, rau khúc từ ngày nào cũng “đội nón ra đi”, nó là loài rau không ai trồng, tự có rồi tự mất đi, rau khúc cũng chẳng dám trách ai. Bánh khúc lướt qua ký ức tuổi thơ của tôi và vô tình bị đắm lại trong dòng suy nghĩ, cứ hồi tưởng từng cơn khi những sơn hào hải vị đã quá nhàm chán và làm kiệt quệ nền kinh tế cho sự lãng phí, bất công.

Ôi tuổi thơ xin một lần thắm lại, mùi bánh khúc xin làm nghẹt không gian lần nữa, để tôi tìm về chốn bình yên nơi tâm hồn bé bỏng!

Trương Trung Hưng

 

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online