Ngã Năm: Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách  (Lượt xem: 3025)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội

Cập nhật: 30/05/2024

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Ngã Năm đã triển khai các chương trình tín dụng với các gói lãi suất ưu đãi, giúp người dân có thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống.  

Ngã Năm: Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách 
 Chuồng nuôi Dê của gia đình chị Phạm Thị Thu Hà (áo hoa).

Thời gian qua, các Cấp ủy Đảng thị xã Ngã Năm luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt các hoạt động tín dụng chính sách xã hội với nhiều giải pháp hiệu quả. Theo đó, nhiều hộ ở Ngã Năm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong từng khâu xét duyệt hộ vay vốn, đồng thời, theo dõi, giám sát hộ sử dụng vốn đúng mục đích. Tại xã Long Bình “nhiều hộ vay vốn đã thực hiện mô hình trồng Chanh không hạt, nuôi Lươn không bùn, nuôi Ba Ba và một số mô hình trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao”, bà Trần Trường Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã, nói.

Là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn 70 triệu đồng từ năm 2021 theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, anh Dương Văn Dô ở xã Long Bình đã trồng 300 gốc Chanh không hạt trên 4.000 m² đất vườn. Qua 3 năm thực hiện mô hình, vườn Chanh phát triển tươi tốt, cho anh Dô thu thập bình quân ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vườn Chanh mang về quả ngọt mà hằng tháng anh Dô đã có tiền trả đúng hạn nợ gốc, lãi và gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Chính sách. Anh Dô chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình tôi có điều kiện thực hiện mô hình trồng Chanh không hạt cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. Hiện tôi đang cải tạo thêm 1ha đất Lúa để chuyển sang trồng Chanh không hạt với mong muốn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Vườn Chanh không hạt của anh Dương Văn Dô.

Trước khi nhận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình nuôi Dê, gia đình chị Phạm Thị Thu Hà, ở khóm Vĩnh Tiền, phường 3 gặp khó khăn. Năm 2022, chị Hà đã mạnh dạn làm thủ tục và được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025). Nhận vốn, Chị mua Dê giống về nuôi để nhân đàn cho đến nay đã được 50 con. Chuồng Dê ngày càng mở rộng đã tiếp thêm động lực, giúp chị Hà tìm ra lời giải cho bài toán phát triển kinh tế gia đình. Chị Hà nói, nhờ Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi mà gia đình có điều kiện thực hiện mô hình chăn nuôi Dê. Để mở rộng thêm chuồng trại, phát triển mô hình thêm nữa, gia đình mong muốn được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ thêm vốn.

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Ngã Năm đạt trên 503 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 18,1%, với 11.875 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 4.623 lượt hộ; giúp hơn 100 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp hơn 2.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ở Ngã Năm, ông Nguyễn Việt Chín (ảnh trên) - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm, cho biết.

Để các chương trình tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa, bà Trần Trường Hoa (ảnh trên) - Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho các hộ gia đình, nhất là các hộ chí thú làm ăn, cùng với địa phương tham gia thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và các phong trào phát động của địa phương.

Năm 2024, mục tiêu của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm là hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân. Phấn đấu nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% so với năm 2023, ông Nguyễn Việt Chín, cho biết thêm.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể triển khai rà soát, tiếp tục hỗ trợ vốn cho những hộ có phương án tái sản xuất cần thêm nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bền vững./.

Thiện Tính, Văn Đại 

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online