Luật An toàn, vệ sinh lao động - Kỳ 4. (Lượt xem: 1701)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 13/07/2017

thst giới thiệu Luật An toàn, vệ sinh lao động - Kỳ 4.

Luật An toàn, vệ sinh lao động - Kỳ 4.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Chương IV

BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

ĐỐI VỚI MỘT SỐ LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ

Điều 63. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật

Những quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, Luật người khuyết tật và Luật này.

Điều 64. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;

c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;

d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;

đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 65. An toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thỏa thuận với bên thuê lại lao động trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động thuê lại nhưng không được thấp hơn so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; đưa các nội dung đã thỏa thuận trên vào hợp đồng cho thuê lại lao động và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và Luật này;

b) Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại. Trường hợp bên thuê lại lao động không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động đã ký kết, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động thuê lại;

c) Lưu giữ hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại; thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.

2. Bên thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thuê lại lao động; không được phân biệt đối xử về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình;

b) Khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại, phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân, đồng thời thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo, điều tra theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;

c) Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy định của Luật này, trừ trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã tổ chức huấn luyện phù hợp với công việc mà người lao động thuê lại được giao; định kỳ 6 tháng, hằng năm, tổng hợp tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại gửi doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

d) Phối hợp với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động; lưu giữ các hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại.

3. Người lao động thuê lại phải tuân thủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động.

4. Chính phủ quy định chi tiết về an toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê lại lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động đối với người lao động thuê lại, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động thuê lại phù hợp với quy định của Bộ luật lao động và Luật này.

Điều 66. An toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc

Tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 67. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Điều này bao gồm người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động cử đi và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của pháp luật nước sở tại và phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động được quy định tại Luật này; trường hợp quy định của nước sở tại về những chế độ này có lợi hơn cho người lao động thì thực hiện theo quy định của nước sở tại;

b) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại trong việc tiến hành điều tra tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động;

c) Đối với tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng thì phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của cấp tỉnh ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động.

3. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 68. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của lao động là người giúp việc gia đình; thực hiện các chế độ có liên quan đến bảo đảm an toàn và chăm sóc sức khỏe của lao động là người giúp việc gia đình.

2. Lao động là người giúp việc gia đình có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động được áp dụng đối với lao động là người giúp việc gia đình.

Điều 69. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà

1. Người lao động khi thỏa thuận bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc giao công việc về làm tại nhà trên cơ sở căn cứ vào việc người lao động bảo đảm được yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc được giao tại nhà.

2. Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.

Trường hợp người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.

Trường hợp người bị tai nạn lao động là người thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 của Luật này.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà; thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà; báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo cáo chung về tai nạn lao động quy định tại Điều 36 của Luật này.

Điều 70. An toàn, vệ sinh lao động đối với học sinh, sinh viên, người học nghề, tập nghề, thử việc

1. Cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động cho học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề như đối với người lao động quy định tại các điều 15, 16, 18, 19, 20, 23, 24, 25 và khoản 1 Điều 27 của Luật này.

2. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.

3. Học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề, tập nghề phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề.

Trường hợp học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online