Hiệu quả từ mô hình trồng Sen kết hợp nuôi Cá (Lượt xem: 2168)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 03/10/2023

Từ khi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn với đặc điểm địa hình, nhiều nông dân thuộc vùng trũng thấp của tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng Sen kết hợp nuôi Cá và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Hiệu quả từ mô hình trồng Sen kết hợp nuôi Cá
Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nông dân ở các xã vùng trũng thấp như Long Hưng, Mỹ Thuận, Mỹ Phước, Hưng Phú,… của huyện Mỹ Tú trồng lúa, mía không hiệu quả, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển sang mô hình trồng Sen. Sen là giống cây dễ trồng, chịu được đất nhiễm phèn, mặn, chi phí đầu tư thấp, ít sử dụng phân bón, thời gian thu hoạch dài ngày. Nếu được chăm sóc kĩ, sau 40 ngày trồng, nông dân có thể thu hoạch Ngó Sen. Đến 30 ngày tiếp theo, cây bắt đầu trổ bông, Gương Sen hình thành rồi già đi thì cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch trong 2 - 3 tháng, bình quân từ 3 đến 5 ngày là có thể hái Gương Sen 1 lần. “So với trước đây, trồng Sen lời được gấp 2,3 lần, lại không phải lo về đầu ra”, ông Cao Văn Bịch, ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng, nói.

Nông dân thu hoạch sen sau mùa vụ.

Tận dụng ao trồng Sen, nhiều nông dân Mỹ Tú còn dẫn dụ Cá đồng. Nông dân mở đường nước cho nguồn Cá tự nhiên vào ao, kết hợp mua thêm Cá giống và bổ sung thức ăn. Giống Cá được bà con chọn thả nuôi chủ yếu là cá Sặc Rằn. Chi phí Cá giống không cao, Cá tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ bùn đáy ao, sâu hại bám trên thân Sen,… điều này giúp cây Sen sinh trưởng tốt, tiết kiệm được chi phí thức ăn. Do vậy, trồng Sen kết hợp nuôi Cá dần trở thành nghề “ăn chắc mặc bền” của nhiều người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Mỹ (ảnh dưới) ở xã Mỹ Thuận, cho biết: “Khi thu hoạch Sen, cắt lá Sen, đến khi lá mục thì cá Sặc Rằn sẽ tự ăn những cặn bã, giúp cho gốc Sen được sạch. Trung bình khoảng 2 vụ Sen sẽ thu hoạch được 1 vụ Cá”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có khoảng1.000 ha thực hiện mô hình trồng Sen kết hợp nuôi Cá với nhiều giống Sen được trồng và hình thức thu hoạch khác nhau như: trồng Sen lấy Củ, Sen thu Ngó, Sen Gương lấy Hạt,… Mặt khác, ao trồng Sen rộng lớn còn là khu vực bảo tồn cho các giống loài Cá đồng có giá trị kinh tế như: cá Lóc, cá Rô, Sặc Rằn và một số loài thủy đặc sản khác như Rắn, Lươn, Ếch,…

Ngoài ra, nông dân cần lưu ý một số vấn đề về kỹ thuật cần thiết liên quan đến cách chọn giống, phương pháp nuôi trồng và ngừa bệnh,… Theo ông Võ Văn Thái (ảnh dưới) - Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Tú thì: “Nông dân cần trục đất thật kĩ, diệt Ốc Bươu vàng, rút nước ra khoảng 20 - 30 cm rồi mới trồng Sen. Khoảng cách trồng 100 - 120 bụi Sen/1000 m² và thu hoạch từ sau 2 - 3 tháng trồng. Trồng Sen nếu gặp phải một số sâu bệnh thì nông dân xử dụng thuốc hóa học gốc hữu cơ để xử ”.

Đối với mô hình "trồng Sen kết hợp nuôi Cá", nông dân cần lựa chọn giống Cá để thả nuôi không gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của Sen. Theo đó nên lựa chọn những loài cá có giá trị kinh tế và có thể tận dụng hiệu quả nguồn thức ăn tự nhiên trong ao trồng Sen như: cá Chép, cá Lóc, cá Rô Phi, cá Mè, cá Thát Lát. “Cần tránh những loại Cá có đặc tính ăn mầm thực vật như cá Trắm Cỏ hoặc những loại cá không thích hợp nuôi trong môi trường của cây Sen như cá Trê, Cá da trơn”, Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng Phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo.

Nông dân cần lựa chọn những loài cá thích hợp để nuôi trong môi trường trồng sen.

Ở Sóc Trăng, mô hình trồng Sen kết hợp nuôi Cá hay trồng Sen kết hợp nuôi các loài thủy sản khác, không chỉ giúp nông dân vùng trũng duy trì được sinh kế trong điều kiện biến đổi khí hậu mà còn mang đến lợi nhuận kép trên cả cây trồng và vật nuôi, góp phần gia tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất./.

Bình Trọng, Ngọc Thơ

 

 

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online