GÁNH HÁT TRÒ CHƠI - Thu Hiền (Lượt xem: 538)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Diễn viên toàn con trai, vì mấy đứa con gái nhát đèn, chỉ phụ trang trí sân khấu. Con Tròn, con Vuông lén lấy mấy tấm ri đô cũ, khăn trải bàn hoa hoè hoa sói biến tấu thành áo choàng, còn khăn đội đầu, khăn quàng cổ thì làm mão hay trang trí cho trang phục của diễn viên. Tôi không hát được, chỉ phụ đạo cụ, lên đèn. Con Tiếng không được tham gia vì tụi tôi còn giận nó bữa bị đòn. Nó tức lắm, trưa lén ra tè một bãi vô sân khấu. Thằng Nhánh phát hiện bắt nó xách nước dội. Tụi tôi cũng bó tay với cái tật trả thù bẩn của nó.

Gánh hát với diễn viên nhỏ tuổi
(Nguyên bản của tác giả)
Chiều. Màn đêm dần kéo khuất những tia nắng nhạt. Xóm nghèo chỉ le lói mấy ngọn đèn dầu. Mâm cơm đơn sơ dọn ra trên bộ ván trong ngôi những ngôi nhà nhỏ. Bọn trẻ chúng tôi tham lam và cơm và hạnh phúc nói về đêm diễn lát nữa đây sẽ hào hứng tham gia. Chúng tôi thuộc lòng các vai diễn trong tuồng Cánh Chim trên biển. Nàng Các Mộng Thuỳ Dương sẽ gặp chàng lãng tử Áo Vũ Cơ Hàn trên bến Huỳnh Sa, tướng cướp Thạch Vũ sẽ cướp cô dâu, rồi Giang Châu giành lại....Chúng tôi quá rõ nàng Thuỳ Dương sẽ do thằng Sự đóng, còn tráng sĩ Áo Vũ cơ hàn do thằng Nhánh thủ vai. Vậy mà vẫn không khỏi háo hức. Bởi đây là gánh hát do chúng tôi, lũ trẻ xóm nghèo lập nên.
Nhớ ngày mới lập gánh ở vườn xoài nhà ông Năm, ý tưởng bắt đầu từ trận đòn do trò đùa ác của bọn tôi...
Ui da....ui da...thả tao xuống....
Tiếng hét thất thanh của con Tiếng hoà cùng giọng cười rộ của đám trẻ quậy phá ồn ả cả khu vườn. Số là tụi tôi bắt chước “màn bay” của diễn viên trong gánh hát huyện mới về biểu diễn. Sợi dây thừng được buộc vòng qua cháng ba cây xoài, một đứa điều khiển dây, một đứa nắm thanh tre tròn ở đầu dây bên kia. Một, hai, ba, kéo dây cho "diễn viên" lấy trớn bay qua cái mương lạn trong nỗi hồi hộp sợ hãi. Tới phiên con Tiếng, nó béo tròn, chậm chạp và hơi dở hơi, thằng Nho chơi cắc cớ, đợi cho nó “bay” nửa mương thì gài đầu dây bên này chặt cứng trên nhánh xoài, không cho nó tiếp đất.
Ba con Tiếng vọt ra, nhìn nó lủng lẳng trên cao, ông giận tím mặt, vừa mắng vừa tháo chốt cài thả nó. Khi sợi dây chùng xuống, con Tiếng ngã cái phịch, mặt nó xanh lè mà miệng thì chửi liên hồi.
Chiều đó cả đám nghịch ngợm đều bị đòn. Vậy là thôi luôn trò bay.
“Buồn ve kêu luôn!” Chợt thằng Nhánh la lên rồi nảy ra ý, hay là mình làm gánh hát đi.
Đứa chặt tre, đứa kiếm buồng đủng đỉnh, chặt lá dừa, cây chuối, rồi xúm lại dựng rạp ở liếp xoài. Hai ngày, rạp dựng xong, cả chục đứa cùng chọn vở, tập tuồng. Anh em thằng Cội, thằng Nhánh, Nho xách cái máy cát sét cũ tua tới tua lui tuồng Cánh chim trên biển. Thằng Cội lớn nhất khoảng mười tám tuổi, ca hổng hay nhưng có tài tổ chức, nó phân vai, hướng dẫn tập cho mấy đứa mười ba mười bốn tuổi. Anh Hai đàn tài tử cũng vô hội, tuy đã có vợ con nhưng ổng cũng hào hứng tham gia cùng đám nhóc.
Diễn viên toàn con trai, vì mấy đứa con gái nhát đèn, chỉ phụ trang trí sân khấu. Con Tròn, con Vuông lén lấy mấy tấm ri đô cũ, khăn trải bàn hoa hoè hoa sói biến tấu thành áo choàng, còn khăn đội đầu, khăn quàng cổ thì làm mão hay trang trí cho trang phục của diễn viên. Tôi không hát được, chỉ phụ đạo cụ, lên đèn. Con Tiếng không được tham gia vì tụi tôi còn giận nó bữa bị đòn. Nó tức lắm, trưa lén ra tè một bãi vô sân khấu. Thằng Nhánh phát hiện bắt nó xách nước dội. Tụi tôi cũng bó tay với cái tật trả thù bẩn của nó.
Bữa gánh hát mở màn, cả xóm vui như hội.Từ chiều, tôi với thằng Hoà xách thùng thiếc đi đầu trên xóm dưới đánh thùng thùng xèng quảng cáo.
Tối, bà con kéo đến chật kín rạp, thành công ngoài mong đợi. Cả đám hồi hộp chờ thằng Tuấn ca bài ca cổ mở đầu, thằng Tâm ca bài nhạc giựt cà tưng, sáu mươi năm cuộc đời. Sau khi tràng vỗ tay ngớt mới bắt đầu màn một cảnh một vở chính.
Thằng Sơn cao kều xách cây kiếm gỗ bước ra, tôi cố nhịn cười khi thấy cái mão tua rua dài ngoằng con Vuông làm. Nó múa mấy đường rồi la lên: tất cả hãy tránh đường, cho kiệu hoa của Phu nhân về Giang Đô thủ phủ. Tức thì thằng Nhánh xuất hiện, ngang tàng kiểu tướng cướp, nói lối: Dừng lại, để ta rước kiệu hoa về Bắc Hải đảo tuyết băng. Tôi chăm chú coi thằng Sự đóng vai mỹ nhơn ra sao. Tới chừng nàng Thuỳ Dương bước ra, tôi có hơi thất vọng vì thằng Sự răng hô, lại nói cà lăm nữa. Nhưng bù lại nó hát hay nên sau màn đối đáp với tướng cướp Thạch Vũ, khán giả cũng vỗ tay tán thưởng rần rần.
Sau mỗi đêm diễn, tụi tôi hào hứng chia nhau kẹo, bánh được khán giả tặng. Được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, thậm chí có nhà còn ủng hộ cả lít dầu để thắp đèn măng xông, chúng tôi tập thêm vài tuồng mới.
Thường sáng chúng tôi phải phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, hết làm cỏ lại tưới rẫy, hái đậu. Trưa rảnh kéo nhau ra tập tuồng, xế qua lại ra đồng. Chiều cơm nước xong thì lên đèn chuẩn bị hát.
Mấy mùa hè tụi tôi gắn với gánh hát trò chơi, nhặt nhạnh niềm vui ở tuổi vô lo, vô ưu. Cũng có lúc giận hờn bỏ rạp, hay gió bão làm sập sân khấu phải làm lại. Nhưng chúng tôi cũng diễn trọn trò vui của đám trẻ xóm nghèo ngày ấy, cái ngày món ăn tinh thần còn khó kiếm hơn cơm áo.
Thời gian trôi nhanh. Đâu thể mãi vui trò con trẻ khi ta đã lớn.
Thằng Sự mê hát trốn luôn theo gánh hát huyện. Mỗi lần nó về, tui tôi xúm lại nghe kể chuyện đi giang hồ của nó. Hồi ở quê, lúc nào nó cũng được diễn vai nữ chánh, vậy mà vô đó nó chỉ được đóng quân lính với dọn cảnh. Vài năm chán, nó về học nghề mộc rồi mở trại làm ăn. Thằng Nhánh, Thằng Nho thì theo gia đình làm ruộng đồng xa, thằng Sơn học nghề điện tử. Tôi thì may mắn đi tiếp con đường học vấn và đi làm. Mấy đứa con gái lấy chồng tiếp tục ruộng nương hay ngồi chợ bán buôn.
Mỗi khi có dịp gặp nhau, nhắc những kỷ niệm xưa, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Những trò vui thời niên thiếu như vẫn còn lẩn quất đâu đây. Chợt thèm được nghe diễn lại những tuồng hát trên sân khấu xưa, thấy lại dáng vẻ của nàng Thuỳ Dương- Cánh chim trên biển, hay nàng Quỳnh Nga- Bên cầu dệt lụa năm nào.
Tất cả đã xa, xa như tuổi thơ trên cánh đồng, mảnh vườn yêu dấu ngày ấy....
Thu Hiền (Phường 6-TPCL, tỉnh Đồng Tháp)
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác cán bộ
Lô Gạo Việt xanh phát thải thấp đầu tiên xuất ngoại
Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang hoàn thành bước 1 quy trình 3 bước theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị
Kế Sách đã triển khai xoá 2.148 căn nhà tạm, nhà dột nát
Hậu Thạnh - Điểm sáng trong xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BÁO VÀ PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ CẦN THƠ.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.