Đến năm 2030, ĐBSCL cơ bản sẽ không còn xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn (Lượt xem: 4174)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 05/04/2022

Sáng nay (5/4), tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc cùng Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL), nhằm đề xuất những giải pháp góp phần vào mục tiêu chung thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; nỗ lực đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn.

Đến năm 2030, ĐBSCL cơ bản sẽ không còn xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn
Quang cảnh Hội thảo.

   Tham dự Hội thảo có ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh Sóc Trăng, tham dự Hội thảo có ông Lâm Văn Mẫn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

   ĐBSCL có trên 17,2 triệu dân sinh sống, chiếm khoảng 18% dân số của nước, trong đó có trên 1,3 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đồng bào Khmer. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất lớn thông qua nhiều Chương trình, Nghị quyết được ban hành, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân trong vùng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 triển khai trong phạm vi cả nước, cho thấy sự quan tâm, chăm lo rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

   Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Kỳ họp thứ 9, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, thực hiện vai trò “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình MTQG khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tạo bước ngoặt, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đây cũng là động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

    Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất khu vực ĐBSCL với trên 35% dân số, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc, lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã, phường có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sóc Trăng giảm từ 3 đến 4%. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer của Sóc Trăng giảm còn trên 9.900 hộ, chiếm 9,78%. Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc của Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

   Tại Hội thảo, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng nhấn mạnh: Hội thảo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc tỉnh Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Thông qua Hội thảo, trên cơ sở trao đổi, làm rõ thêm những kết quả, hạn chế, tồn tại và các định hướng, giải pháp cùng với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL sẽ đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lâm Văn Mẫn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại ĐBSCL còn cao, chiếm 12,3%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 11,9%; 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng Việt; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ. Đây điểm nghẽn mà các tỉnh có đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng ĐBSCL kỳ vọng Chương trình sẽ góp phần tháo gỡ thông qua tổng nguồn vốn hơn 137.000 tỷ đồng bố trí đến năm 2025 để thực hiện 10 Dự án thành phần, 14 Tiểu Dự án và 36 nội dung đầu tư.

  Tại Hội thảo, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đã tập trung thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm để làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất kiến nghị nhiều ý tưởng để triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực ĐBSCL, cùng với 2 Chương trình MTQG khác là giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới.

   Kết thúc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí nguồn lực lớn để triển khai Chương trình. Mục tiêu của Chương trình là tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, đặc biệt là những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu sổ. Để triển khai có hiệu quả Chương trình này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG trong tuần đầu tháng 4/2022; yêu cầu các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào. Dự kiến năm 2022 sẽ giao Kế hoạch vốn cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 14.400 tỷ đồng gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp; đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn Kế hoạch được giao.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu kết luận Hội thảo.  

   Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị các tỉnh, thành cần nhanh chóng thành lập ngay Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, khẩn trương triển khai song hành cùng Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên cần đặc biệt quan tâm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực.

   Dịp này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã trao bảng tượng trưng hỗ trợ quà cho các hộ nghèo là dân tộc thiểu số của 9 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL./.

Kim Sang - Văn Đại


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online