Đề xuất nhiều giải pháp khả thi về chính sách tín dụng trong phát triển mô hình nuôi tôm Công nghệ cao (Lượt xem: 3178)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 24/02/2022

Sáng ngày 23/2, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị Chuyên đề tín dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm tìm được tiếng nói chung giữa hộ nuôi tôm và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Dự Hội nghị có ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Lê Văn Hiểu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo UBND các huyện, thị, tổ chức tín dụng, cùng các Hiệp hội, Hợp tác xã, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. 

Đề xuất nhiều giải pháp khả thi về chính sách tín dụng trong phát triển mô hình nuôi tôm Công nghệ cao
Quang cảnh tại Hội nghị.

   Thời gian qua, Sóc Trăng đã chỉ đạo tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng kế hoạch phát triển, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm. Diện tích nuôi thủy sản ngày càng mở rộng, tính đến năm 2021 đạt 76.530 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 53.000 ha, với sản lượng trên 183.000 tấn. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như mô hình Tôm - Lúa, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm Semi biofloc. Từ đó, tạo được vùng nguyên liệu ổn định, an toàn cung ứng cho các nhà máy chế biến trong tỉnh.

   Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghệ cao vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do hộ nuôi chưa đủ điều kiện tham gia nguồn vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất từ các ngân hàng. Những rủi ro trong quá trình sản xuất khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tổ chức tín dụng còn khá e dè trong việc giải ngân vốn vay cho các hộ nuôi. Trong năm 2021, Sóc Trăng có 11 tổ chức tín dụng đầu tư vốn cho 5 doanh nghiệp và 10.485 hộ nuôi tôm. Dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2021 là 6.854 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 27%.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

   Tại hội nghị, đại diện UBND các huyện, thị, thành viên Hiệp hội, Hợp tác xã và hộ nuôi tôm trong tỉnh nêu ra những hiệu quả, khó khăn và thuận lợi trong quá trình phát triển mô hình nuôi tôm Công nghệ cao. Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những bất cập đang tồn tại trong tín dụng nuôi trồng thủy sản là khoản vay còn khá thấp so với tài sản được thế chấp, số vốn giải ngân còn khá hạn chế so với mức kinh phí cần thiết để đầu tư phát triển mô hình theo hình thức công nghệ cao. Ông Võ Kim Huy, Chủ tịch Hiệp Hội tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề cho rằng “Nhà nước cần có chủ trương tái cơ cấu nợ cho người nuôi tôm. Đồng thời định lại giá đất theo giá thị trường để tăng giá trị tài sản cho ngân hàng, xem nuôi tôm là một ngành có rủi ro và không truy cứu trách nhiệm của cán bộ tín dụng khi hộ nuôi tôm không thành công. Ngoài ra, cần đầu tư nuôi tôm theo hướng một phần thuộc Dự án và một phần phụ thuộc vào tài sản được thế chấp”.

   Theo Kế hoạch năm 2022, dự kiến các tổ chức tín dụng trong tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 56,5 tỷ đồng để tăng trưởng tín dụng cho vay trong lĩnh vực nuôi tôm. Ngành Nông nghiệp cùng đại diện một số tổ chức tín dụng đã đề xuất các giải pháp nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay, cũng như chuyên nghiệp hóa sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất, giảm áp lực tài chính trong quá trình duy trì và phát triển nghề nuôi tôm. Ông Phan Văn Bá, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho hay: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành tổ chức khảo sát, nghiên cứu, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhất và thực hiện phương thức cho vay theo chuỗi khép kín. “Cần tập trung tham mưu, rà soát lại quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh để xây dựng các vùng nuôi phù hợp với hệ sinh thái của từng địa phương và tập trung quản lý tốt. Đặc biệt là việc xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao để tập trung xây dựng các Dự án và hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh. 

 Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

   Khẳng định việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Sóc Trăng, ông  Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành có liên quan phối hợp cùng UBND thuộc các vùng nuôi trọng điểm, đồng hành cùng hộ nuôi để nắm bắt chính xác nhu cầu phát triển mô hình. Phối hợp cùng các tổ chức tín dụng tạo mọi điều kiện thông thoáng hơn về cơ chế chính sách tín dụng, phù hợp với quy mô nuôi và khả năng kinh tế từng hộ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hỗ trợ hộ nuôi nâng cao năng lực tiếp cận mô hình nuôi tôm công nghệ cao để có sự đầu tư bài bản, hiệu quả hơn, tạo đột phá mới cho nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng trong điều kiện thuận lợi về những Dự án giao thông quy mô mang tính khả thi cao đã, đang và sẽ sắp được triển khai trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Thơ - Hoàng Phong  


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online