Đặc sản Tết Sóc Trăng (Lượt xem: 547)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 27/01/2025

Không khí Tết cổ truyền đang dần hiện hữu rõ hơn trên từng nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Văn hóa đón Tết ở từng vùng, miền có những nét đặc trưng riêng và ẩm thực ngày Tết ở từng địa phương cũng vì thế rất phong phú, đa dạng. Với nhiều sản vật mang tính đặc trưng vùng, miền, Sóc Trăng cũng góp thêm vào “thực đơn” ngày Tết rất nhiều đặc sản phong phú, vừa phục vụ mâm cơm ngày Tết cho gia đình, vừa là món quà hiếu hỉ gửi tặng nhau vào dịp năm mới. Để rồi vào dịp Tết đến - Xuân về, khi trăm hoa bắt đầu khoe sắc cũng là lúc nhiều làng nghề truyền thống tại tỉnh cũng tất bật bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm trong năm.

Đặc sản Tết Sóc Trăng
 Đặc sản khô Heo.

Có đến Trần Đề vào những ngày cuối năm mới cảm nhận được một cách đầy đủ quy mô của nghề khai thác biển cho đến sản lượng đánh bắt và sự phong phú về chủng loại hải sản. Nhờ tận dụng có hiệu quả lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, giờ đây, Trần Đề không còn là vùng đất khô cằn, cháy nắng mà đã trở nên sung túc, khấm khá hơn khi cùng với việc đánh bắt, nghề làm khô đã thật sự trở thành một nghề “ăn chắc - mặc bền” được người dân truyền nhau từ nhiều thế hệ.

Nguồn cá nguyên liệu có được từ thế mạnh ở lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản đã hình thành nên nghề làm khô từ rất lâu đời của nhiều gia đình sinh sống tại khu vực ấp Cảng, thị trấn Trần Đề. Nghề làm khô ở vùng quê giáp biển diễn ra quanh năm, thế nhưng, chỉ vào những tháng cuối năm thì người làm khô mới tất bật, nhộn nhịp hơn.   

 

Theo kinh nghiệm của người dân trong vùng, mùa này thời tiết khô ráo, nắng không quá gay gắt, cá được phơi trong độ nắng vừa phải nên chất lượng khô ngon hơn so với thời điểm khác trong năm. Khô thường được người dân phơi dàn trải trên dàn, nhiều nhất ở dọc 2 bên cầu Cảng, vàm Kinh Ba hay Trung tâm hành chính huyện. Nghề làm khô phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đặc biệt, khi làm khô vào thời điểm này thì thu nhập của họ cũng thêm phần cải thiện, niềm vui đón Tết với từng người cũng vì thế  trở nên đủ đầy hơn. Anh Nguyễn Văn Thuận (ảnh trên) ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, chia sẻ: Ngày thường làm được 170.000đ/ngày, Tết người ta đặt hàng nhiều nên làm cũng được từ 200.000 - 300.000đ/ngày. Nhờ vậy, gia đình có thêm thu nhập để mua sắm Tết được tươm tất hơn.

Huyện Trần Đề hiện có hàng chục sản phẩm khô khác nhau. Từng loại khô đều là những sản phẩm được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong sự phong phú, đa dạng đó, thịt heo khô vẫn là mặt hàng khô nổi tiếng, rất được thị trường chuộng dùng. Hộ kinh doanh Đồng Hòa ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng là cơ sở sản xuất thịt Heo khô lâu đời nhất tại huyện Trần Đề. Với bí quyết tẩm ướp mang tính “cha truyền con nối”; từng mẻ thịt Heo được phơi nối tiếp nhau giữa cái nắng phảng phất trong làn gió biển đã hình thành nên sản phẩm khô có mùi vị thơm ngon, rất đặc trưng.

Theo chủ cơ sở chia sẻ, thịt heo sau khi được sơ chế, tẩm ướp gia vị sẽ được mang phơi khoảng 2 nắng là cho ra khô thành phẩm. Trung bình 30kg thịt Heo tươi sẽ làm ra được hơn 10 kg thịt Heo khô. Nếu như vào ngày thường, cơ sở làm ra khoảng 10 kg khô thì vào dịp Tết, số lượng tăng gấp đôi, gấp ba để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng khâu là nguyên nhân giúp sản phẩm thịt Heo khô Đồng Hòa vẫn giữ vững thương hiệu trên thị trường từ hàng chục năm nay.

Bà Tạ Thị Ngọc Thu (bìa phải ảnh) - Chủ cơ sở thịt heo khô Đồng Hòa, cho biết thịt Heo làm khô mình phải lựa thịt tươi. Thịt sau khi rửa sạch xong thì lạng ra từng khoanh, lấy bỏ sạch mỡ, cắt ra thành từng miếng mỏng rồi bắt đầu ướp gia vị. Ngày thường làm 10 kg thịt Heo tươi thì ra được vài kg thịt Heo khô. Tết thì làm vài chục kg ra được khoảng 20 mấy kg khô/ngày. Tết người ta đặt nhiều nếu làm không kịp nắng thì mình mang vào lò sấy... 

Rời làng khô Trần Đề, men theo đường Quốc lộ Nam Sông Hậu đến với khu vực ấp Lền Buối, xã Lạc Hòa, TX. Vĩnh Châu với nghề làm bánh phồng tôm đã tồn tại hàng chục năm nay cũng đang tất bật vào vụ sản xuất cao điểm trong năm. Cũng như mặt hàng khô, tỉnh Sóc Trăng hiện có không ít cơ sở sản xuất bánh phồng tôm, nhưng do bí quyết riêng ở từng gia đình mà chiếc bánh phồng tại từng nơi lại mang hương vị đặc trưng rất riêng.

Bà Thái Thị Mí.

Nếu như ngày thường, gia đình bà Thái Thị Mí (hộ sản xuất bánh phông tôm gia truyền tại TX. Vĩnh Châu) chỉ làm ra vài kg bánh chủ yếu phục vụ cho người dân tại địa phương thì vào dịp cuối năm, mỗi ngày, số lượng sản phẩm làm ra dao động từ 10 - 20 kg. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng, gia đình phải huy động thêm lực lượng, phân chia người đảm nhận từng công đoạn khác nhau để vừa đáp ứng được đơn đặt hàng, vừa đảm bảo được chất lượng. Bà Mí, nói: Tép khi lột rồi mình phải rửa sạch qua 3,4 nước. Sau đó rút ruột từng con tép ra cho thật sạch. Hồi xưa làm tép ít còn giờ phải làm tép nhiều bánh nó mới ngon... Ông Lý Ngọc Quến (ảnh dưới) ở ấp Lền Buối, xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ: Khoảng 5 giờ mấy sáng là dậy làm bánh rồi. Làm tới 12 giờ mấy mới xong. Mình phơi khoảng 2,3 ngày là ra bánh thành phẩm. Trong Tết nếu thấy thời tiết thuận lợi thì mình làm nhiều, nếu thời tiết không tốt là không dám nhận thêm đơn.

 

Vẫn với nguyên liệu chính là tôm tươi nhưng khi nhiều cơ sản xuất lớn có sự đầu tư, cải tiến về máy móc, thiết bị thì nghề làm bánh phồng tôm tại nhiều gia đình người Hoa ở Vĩnh Châu vẫn giữ được phương pháp làm bánh thủ công trong từng công đoạn. Theo người dân có thâm niên gắn bó lâu năm với nghề cho biết, chính cách làm truyền thống này đã giúp cho chiếc bánh phồng tôm của Vĩnh Châu đủ sức cạnh tranh trước sự ra đời của nhiều hiệu bánh khác nhau trên thị trường.

Cán bánh phồng theo cách truyền thống.

Để hình thành nên mỗi chiếc bánh phồng tôm, phải trải qua nhiều công đoạn, từ: chuẩn bị nguyên liệu, tráng bánh, nấu bánh, đến đem phơi. Để bánh chiên lên có màu sắc tươi ngon, độ phồng, giòn rụm, người thợ phải tuân thủ theo công thức riêng. Từng chiếc bánh nhỏ xinh là sự tinh tế của rất nhiều yếu tố đan xen, là sự tươi ngon từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, là nắng gió từ vùng quê giáp biển và tâm huyết của những người thợ thủ công miệt mài vì một giá trị tinh thần không thể thất truyền. Làm nghề bánh phồng tôm đã hơn chục năm, bà Lý Hấn Kiêu ở ấp Lền Buối, xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ để sản phẩm ngon thì mình phải mua tép cho thật tươi. Bánh gồm có tép, trứng, bột, tỏi, đường, tiêu, bột ngọt. Khó nhất là khâu cáng bánh, không chuyên nghiệp là làm không được vì bánh sẽ rất dễ bị bể và rách.  

Từ những món ăn dân dã của người dân bản địa, sản phẩm khô, bánh phồng tôm,… cùng rất nhiều món ngon khác của tỉnh Sóc Trăng hiện đã trở thành đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua vào mỗi dịp Tết. Những món quà trao tay là sản phẩm được hình thành từ sản vật địa phương không chỉ thể hiện sự tử tế trong mối quan hệ tâm giao, góp phần quảng bá sâu rộng hơn món ngon quê nhà mà còn là giữ hồn quê, chốn cội nguồn để những người con xa xứ tìm về./.

 Ngọc Thơ, Bình Trọng

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online