Chuyển đổi số - Trần Đề phát huy tốt vai trò huyện điểm (Lượt xem: 2381)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 12/07/2022

Sáng nay (12/7), ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế việc vận dụng chuyển đổi số trên một số lĩnh vực tại huyện Trần Đề. Cùng đi với Đoàn có bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; đại diện lãnh đạo một số Sở, Ngành có liên quan và các Doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh.

 Chuyển đổi số - Trần Đề phát huy tốt vai trò huyện điểm
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng Đoàn công tác đến khảo sát thực tế việc vận dụng chuyển đổi số tại huyện Trần Đề. 

    Huyện Trần Đề là địa phương đầu tiên trong tỉnh Sóc Trăng được chọn làm huyện điểm thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết 07 ngày 7/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Để đánh giá hiệu quả bước đầu hoạt động chuyển đổi số tại huyện Trần Đề, Đoàn công tác đã đến khảo sát tại thị trấn Lịch Hội Thượng là địa phương được huyện Trần Đề lựa chọn thực hiện thí điểm về hoạt động chuyển đổi số. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn áp dụng chuyển đổi số trên 2 lĩnh vực chính là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt và hệ thống camera giám sát an ninh. Đến nay, thị trấn Lịch Hội Thượng có trên 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ, mua bán áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua phần mềm VNPT và Viettel Money. Có 32 mắt camera an ninh được lắp đặt tại các tuyến đường phức tạp, góp phần quản lý tốt tình hình an ninh trật tự, vi phạm giao thông trên địa bàn toàn Thị trấn.

Camera an ninh được lắp đặt góp phần quản lý tốt tình hình an ninh trật tự, vi phạm giao thông trên địa bàn toàn thị trấn Trần Đề.

   Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng Đoàn công tác cũng đã đến Văn phòng điều hành của Ban quản lý Cảng cá Trần Đề để khảo sát việc vận dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác thông qua việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Đây là một trong những quy định bắt buộc của Ủy ban châu Âu (EC) trong hành trình tháo gỡ “thẻ vàng” của ngành Thủy sản Việt Nam. Tính đến nay, Sóc Trăng có 337 tàu cá (từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100% kế hoạch.

   Khi được lắp đặt thiết bị này, chủ tàu cá phải bật thiết bị 24/24 giờ trong suốt quá trình đánh bắt hải sản để kết nối với lực lượng chức trong đất liền theo dõi, giám sát. Thông qua hệ thống phần mềm, các đơn vị chức năng có thể nắm rõ phương tiện tàu cá hiện đang hoạt động ở tọa độ nào. Khi phương tiện tiến gần biên giới vùng biển nước ngoài, hệ thống được lắp đặt sẽ tự động phát ra tín hiệu để ngư dân biết tàu đánh bắt của mình đang trong vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống cũng có thể thu thập các dữ liệu về khí tượng, đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai, mưa, bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh.

   Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đến khảo sát tình hình triển khai lắp đặt hệ thống Loa Truyền thanh thông minh tại xã Đại Ân 2. Nguyên lý hoạt động của hệ thống này dựa trên sóng internet, mạng di động được điều khiển trên nền tảng phần mềm IPFM, với ưu điểm nổi bật là người dùng chủ động trong công tác tuyên truyền, khi có thể vận hành trực tiếp thông qua điện thoại thông minh. Đến nay, hệ thống Loa không dây đã được lắp đặt tại 5 ấp trên địa bàn xã Đại Ân 2.

Ông Nguyễn Thành Duy, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Trần Đề kiến nghị trong buổi làm việc với Đoàn công tác.

   Phát huy vai trò huyện điểm trong chuyển đổi số, trong thời gian qua, Trần Đề đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống "một cửa” điện tử; sử dụng các phần mềm quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, cán bộ, công chức về chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4... Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Trần Đề vẫn còn nhiều khó khăn về ngân sách, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện chuyển đổi, công nghệ số chưa được ứng dụng sâu, rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong buổi làm việc với Đoàn công tác, ông Nguyễn Thành Duy, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện Trần Đề cũng đã kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các Sở, Ngành có liên quan một số vấn đề cụ thể, trong đó, đề nghị thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông và các công ty Viễn thông quan tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng internet trên địa bàn huyện Trần Đề; Đề nghị đặt trụ 5G tại huyện Trần Đề; Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành dọc khi thực hiện chuyển đổi số chọn Trần Đề làm điểm…, Theo đó đại diện lãnh đạo một số Sở, Ngành và Doanh nghiệp cũng đã đề xuất một số ý kiến tháo gỡ khó khăn trong hoạt động chuyển đổi số tại địa phương, nhằm thúc đẩy hoạt động này tại huyện Trần Đề phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. 

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với huyện Trần Đề

   Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đánh giá cao sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, công ty, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện Trần Đề, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Trần Đề cần tích cực tuyên truyền về tính cấp thiết và lợi ích của chuyển đổi số mang lại để doang nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng, trong đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị cho đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Do đó người đứng đầu phải phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động triển khai chuyển đổi số bằng kế hoạch, lộ trình cụ thể.   

     

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Tỉnh ủy Sóc Trăng tại huyện Trần Đề về chuyển đổi số.   

   Nhân dịp này, lãnh đạo huyện Trần Đề cũng đã thông tin đến Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sóc Trăng về tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn. Đến nay đã có 51,6% người tiêm vaccine (mũi nhắc lại lần 1) và 5,6% người tiêm vaccine (mũi nhắc lại lần 2). Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đề nghị Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Trần Đề cần xác định tiêm vaccine phòng COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, do đó cần khẩn trương tập trung, dồn sức, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia và của tỉnh; cần tận dụng mọi nguồn lực, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để vận động người dân hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 (mũi nhắc lại) vào tháng 8/2022 theo phương châm “đi từng ngỏ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

   Trước đó, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy cùng Đoàn công tác đã đến Trạm Y tế thị trấn Lịch Hội Thượng để kiểm tra công tác tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19, đồng thời trao quà cho cán bộ Y tế đang làm nhiệm vụ tại đây./.

Bình Trọng - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online