Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái (Lượt xem: 1842)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 22/09/2024

Tỉnh Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km, trong hơn 10.100 ha rừng tại những địa phương thì có trên 6.800 ha rừng phòng hộ là hàng rào chắn sóng, lấn biển giúp giảm nhẹ tác động của thiên tai và hình thành nên các điểm du lịch sinh thái rừng. Nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của dãy rừng phòng hộ của tỉnh, cơ quan chuyên môn luôn quan tâm đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ rừng.

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái
 Đua Mong tại Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó huyện Trần Đề.

Hiện tại khu vực bãi bồi ấp Mỏ ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề có khoảng 634 ha rừng phòng hộ ven biển. Có điều kiện đặc biệt về địa hình và nguồn lợi thủy sản dồi dào, nơi đây đã trở thành địa điểm để nhiều du khách đến đây tham quan tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của gió biển, trải nghiệm đánh bắt thủy sản dưới tán rừng bằng những “chiếc mong”.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng UBND xã Trung Bình đã thành lập Tổ công tác bảo vệ rừng tại xã và tại ấp Nhà Thờ, ấp Mỏ ó và ấp Chợ. Hàng tuần, 15 thành viên của mỗi tổ đều tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp đến cây rừng hoặc hệ sinh thái dưới tán rừng. Đây được xem là những cánh tay nối dài của lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương luôn phát triển xanh tốt, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ, thu hút du khách đến trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ xanh.

Ông Ngô Kiến Phương (ảnh trên) - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Trần Đề - Cù Lao Dung, cho biết hàng năm, Hạt Kiểm lâm liên huyện Trần Đề - Cù Lao Dung lập Kế hoạch, Quy chế phối hợp với các ban, ngành để xử lý ngăn chặn các hành vi phá rừng. Ngoài ra Hạt Kiểm lâm mở các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân sống ven rừng và học sinh trên địa bàn. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành tăng cường truyên truyền, vận động bảo vệ rừng được tốt hơn.

Du lịch sinh thái tại huyện Cù Lao Dung.

Tại huyện Cù Lao Dung có dãy rừng phòng hộ khoảng 1.784 ha. Từ các chương trình, dự án, địa phương cũng đã hình thành những Nhóm đồng quản lý rừng hay Nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ và các Tổ hợp tác nuôi thủy sản dưới tán rừng. Đặc biệt tại xã An Thạnh 3, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đã được kết nối với một số đơn vị du lịch trong tỉnh để du khách được trải nghiệm các dịch vụ đi cầu Tre xuyên rừng, bắt Ốc Len, bắt Vọp, câu Cua biển;...

Để giữ vững “nguồn lợi” từ rừng, hàng năm, lực lượng Kiểm lâm đã xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý bảo vệ rừng, Bộ đội Biên phòng, Công an xã, ấp, các Tổ trồng và Bảo vệ rừng, tuyên truyền về vai trò quan trọng của rừng để người dân hiểu rõ. Thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lí việc khai thác trái phép Nghêu, Sò giống, nhằm hạn chế nguy cơ thiệt hại diện tích rừng non mới trồng.

Ông Nguyễn Văn Trí (ảnh trên) - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, ấp Vàm Hồ xã An Thạnh Nam nói: Nguyện vọng của bà con là mô hình này được mở rộng để bà con tham gia. Đối với bà con sinh sống dưới tán rừng mong muốn được tạo điều kiện để bà con vừa bảo vệ vừa có thu nhập cho gia đình.

Ý thực được vai trò rất lớn của rừng phòng hộ trong giảm nhẹ tác động của thiên tai, phát triển du lịch và tạo sinh kế lâu dài cho bà con sinh sống quanh khu vực nên hầu hết người dân địa phương đều tích cực tham gia vào các hoạt động trồng mới, bảo vệ rừng, đồng thời phối hợp tốt với lực lượng chức năng tố giác các trường hợp đáng nghi, không để xảy ra tình trạng chặt phá hay lấn chiếm đất rừng. 

Một số loài sinh sống nơi tán rừng.

Ông Tăng Hiền ở ấp Mỏ ó, xã Trung Bình, nói: Đã 4 -5 năm nay thành lập được Tổ để bảo vệ rừng được tốt hơn những năm trước, đất không lở, thuỷ sản sinh sản nhiều, bà con sinh sống dưới tán rừng vừa bảo vệ vừa có quyền lợi; làm Khu du lịch sinh thái cho du khách nên bà con mừng lăm.      

 

Ý thức về tầm quan trọng của rừng, bà Phạm Thái Liên ở ấp Chợ, xã Trung Bình nói, rừng vừa bảo vệ con người vừa giúp sinh sôi những loài thuỷ sản. Người nghèo sống dưới tán rừng nhờ nguồn lợi thuỷ sản này để kiếm sống. Do đó, tôi cố gắng để bảo vệ rừng cũng là mang lại nguồn lợi sinh sống cho bà con.

Những năm gần đây, các huyện, thị ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã định hình các vùng phát triển kinh tế trọng điểm để tăng cường tiềm lực phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, các khu vực phát triển kinh tế ven biển chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, cùng với đó là biến đổi khí hậu thường xuyên tác động xấu đến hoạt động sản xuất của cư dân. Do đó, việc đẩy mạnh bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là góp phần làm giảm nhẹ tác động của thiên tai, phát triển du lịch và tạo sinh kế lâu dài cho cư dân sinh sống ven biển của tỉnh./.

Trọng Phước, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online