Báo động gia tăng mắc bệnh Sởi ở trẻ em (Lượt xem: 467)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Sức khoẻ - Tài Nguyên

Cập nhật: 17/12/2024

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, thường gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi. Đa số trẻ mắc bệnh là do không tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ. Sởi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Điều đáng báo động là thời gian gần đây tại tỉnh Sóc Trăng các ca mắc bệnh Sởi đang có xu hướng tăng.

Báo động gia tăng mắc bệnh Sởi ở trẻ em
 Trẻ phát ban do Sởi.

Trẻ mắc bệnh Sởi thường bắt đầu với các triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng, sau đó xuất hiện phát ban. Nếu chỉ căn cứ vào biểu hiện sốt và phát ban, nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn bệnh Sởi sang các bệnh khác như sốt phát ban, tay chân miệng. Theo bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng thì phát ban của Sởi khá điển hình, đầu tiên phát ban ở sau tai, chỗ chân tóc rồi tới mặt, cổ, lan xuống chi trên, chi dưới. Khi các vết ban phai đi cũng phai từ trên xuống dưới. Sau khi phục hồi thì ban của Sởi để lại vết thâm da, người ta gọi là vết vằn da hổ. Còn vết ban của sốt phát ban khác thì đa số không theo thứ tự, thông thường khi căng da ra thì sẽ biến mất và khi phai thì sẽ không để lại vết thâm.

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra các triệu chứng cấp tính, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể, với những tổn thương kéo dài. Ngoài ra, bệnh Sởi còn có thể xóa trí nhớ miễn dịch. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể con người. Khi mắc Sởi, hệ thống miễn dịch của con người bị phá hủy, bị tái thiết lập như hệ miễn dịch của một đứa trẻ mới sinh. Người bệnh Sởi nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh, dù là các bệnh đã từng mắc trước đây.

Bác sĩ khám, điều trị cho trẻ bị bệnh Sởi.

Về biến chứng của bệnh Sởi, bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình cho biết có rất nhiều, nhưng thường gặp nhất là các biến chứng: viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm kết mạc mắt và suy dinh dưỡng, trong đó, suy dinh dưỡng là biến chứng thường gặp nhất của Sởi. Biến chứng cuối cùng, nguy hiểm nhất là viêm não.

Khi trẻ sốt phát ban kèm theo lừ đừ, lơ mơ, co giật thì có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm não, đây là biến chứng gây tử vong ở nhiều trường hợp mắc Sởi, do đó phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, tổng tích lũy số ca sốt phát ban nghi sởi/rubella được phát hiện, giám sát là 674 trường hợp, trong đó lấy mẫu được 601 trường hợp, đã có kết quả 88 trường hợp. Ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp Sởi dương tính, 1 trường hợp rubella dương tính.

Tại Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng, trung bình có khoảng 50 ca mắc Sởi điều trị nội trú. So với thời điểm tháng 8 năm nay, số ca mắc Sởi đã tăng gần 10 lần.

Trước tình hình bệnh Sởi đang có xu hướng gia tăng, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với dịch bệnh. Bác sĩ CKII Chung Tấn Định (ảnh trên) - Giám đốc bệnh viện, cho biết đơn vị sắp xếp các khu vực ưu tiên dành cho điều trị bệnh, bối trí riêng khu nội trú tại khoa Nhiễm để đảm bảo công tác kiểm soát và theo dõi, điều trị nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Bổ sung nhân lực cho khu nội trú điều trị Sởi và các khu khác có liên quan. Trang thiết bị đầy đủ về cơ số thuốc, máy thở, máy xét nghiệm và các thiết bị y tế khác để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc Sởi. Bệnh viện thiết lập các quy trình tiếp nhận tại khoa Khám và khoa Cấp cứu tổng hợp, thiết lập các phòng khám riêng cho các trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu của bệnh Sởi, đảm bảo phát hiện kịp thời, cách ly lập tức và tránh lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, Bác sĩ Định cũng cho biết, Bệnh viện cũng thiết lập các hệ thống báo cáo nhanh và kịp thời về Sở y tế và CDC của tỉnh để phối hợp kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện còn tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh Sởi. Cử nhân viên tham gia các lớp học online và bình bệnh án với các bệnh viện tuyến trên. Công tác nhiễm khuẩn tại bệnh viện được đặc biệt quan tâm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao. Đảm bảo vệ sinh bề mặt tại các khoa phòng sạch sẽ, khử khuẩn định kỳ để ngăn chặn sự lây lan của virus Sởi.

Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về bệnh sởi trên các website, facebook của bệnh viện. Các bác sĩ, điều dưỡng còn tư vấn về cách chăm sóc và phòng bệnh cho người nhà bệnh nhân nhằm tránh lây lan tại bệnh viện.

Một biện pháp phòng bệnh hiệu quả mà các phụ huynh cần thực hiện đó là đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa Sởi để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ./.

Mỹ Phương, Lâm Huy

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online