Quốc hội đề nghị khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (Lượt xem: 3002)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin trong nước

Cập nhật: 01/06/2023

Chiều ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Quốc hội đề nghị khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 
Đại biểu cho ý kiến tại phiên họp.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự tán thành với Báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội. Về công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội nửa cuối năm 2023, đa số các ý kiến của các đại biểu tán thành với 11 nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và 5 nhóm nội dung trọng tâm được đề xuất trong Báo cáo thẩm tra. Các ĐBQH cũng tham gia kiến nghị một số vấn đề, trong đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, yên tâm sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, không bảo đảm điều kiện vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên không có đề xuất hỗ trợ. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc khơi thông điểm nghẽn tín dụng, các ĐBQH cho rằng cần phải khơi thông các kênh dẫn vốn khác và tạo cơ chế thông thoáng, thực chất để doanh nghiệp phát triển. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: “Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “Doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, Nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp ”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành”.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn quy định về phòng cháy, chữa cháy đang gây ra nhiều rào cản với doanh nghiệp. Đại biểu Phạm Văn Hòa  (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về phóng cháy, chữa cháy tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội nghe một số thành viên Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm./.

Nguồn TTX Việt Nam


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online