Ông đồ và tục xin chữ thời nay (Lượt xem: 4005)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin trong nước

Cập nhật: 25/01/2023

Người Việt ta từ xa xưa vẫn luôn “Trọng chữ nghĩa, mong bình an”. Đây cũng chính là nguồn gốc và ý nghĩa của tục xin chữ, cho chữ mỗi dịp Tết đến  Xuân về. Thông qua tục xin chữ - cho chữ còn cho thấy sự đề cao chữ viết, coi trọng sự học của người Việt. Truyền thống  văn hóa, nét đẹp ngày Xuân có từ lâu đời này đến nay vẫn được gìn giữ, lưu truyền, thích ứng đa dạng với cuộc sống hiện đại và ngày càng được nhiều người trẻ đón nhận.

Ông đồ và tục xin chữ thời nay
 Ông đồ Nguyễn Thành Đạt tại TP. Hồ Chí Minh. 

Vẫn là khăn đóng áo the, vẫn mực tàu giấy đỏ nhưng “bên phố đông người qua” hôm nay đã khác xưa. Thay cho hình ảnh ông đồ già râu tóc bạc phơ, là những ông đồ trẻ ngồi cho chữ… Thậm chí là rất trẻ, như ông đồ sinh ra vào đầu những năm 2.000 này, mới chỉ bén duyên với nghệ thuật thư pháp vài năm nhưng nay đã đậm chất của một ông đồ ngày Tết.

Ông đồ Nguyễn Thành Đạt tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Một cái duyên cũng là tình cờ, hôm đó mình đi chơi Tết và mình gặp phố ông đồ, mình xem ông đồ viết và bắt đầu nảy ra niềm đam mê, sở thích, lúc đó mình mới bắt đầu tìm tòi học hỏi”.

Ông đồ Nguyễn Thành Đạt đang cho chữ.

Từ xa xưa, chữ viết luôn được người dân Việt coi trọng, gìn giữ, thông qua các phong tục truyền thống rước chữ, chơi chữ, xin chữ, thờ chữ. Xin chữ không phải đơn giản mà là một việc thiêng liêng, rất có ý nghĩa, thế nên người cho chữ phải là những thầy đồ được kính trọng.

Hình ảnh ông đồ cho chữ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là một phong tục năm mới, mà chính là đề cao sự học, tinh thần hiếu học. Ông đồ Nguyễn Thành Đạt tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Thông qua chữ thì sẽ thể hiện được ý nghĩa của cái chữ mà khách đi xin có thể cảm nhận được khi nhìn vào cái chữ. Là 1 ông đồ trẻ, mình sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn văn hóa truyền thống rất đẹp này của dân tộc ta”.

Ngày Xuân, năm mới, đối với người Việt là sự khởi đầu tốt đẹp của một năm mới đầy hi vọng. Thế nên ai cũng mong muốn bản thân, gia đình, có được những điều tốt đẹp, may mắn, bình an. Theo quan niệm xưa, xin chữ đầu năm chính là một trong những điều để đem điều may, rước lộc tốt về nhà. Ngày nay giữa cuộc sống hiện đại, công nghệ số, tục xin chữ - cho chữ vẫn được lớp trẻ kế thừa và đón nhận.

Ngày nay giữa cuộc sống hiện đại, công nghệ số, tục xin chữ - cho chữ vẫn được lớp trẻ kế thừa và đón nhận.

Đi xin chữ đầu năm, bạn Bảo Ni ở Quận 6, TP. Hồ Chí Minh nói: “Thật sự thì hồi còn nhỏ tôi cũng không quá hiểu về ý nghĩa của các hoạt động này. Tuy nhiên khi đã lớn hơn, tôi cũng dần hiểu được và muốn tiếp nối truyền thống của gia đình mình, cho nên là đầu năm tôi cũng rất háo hức để đi xin chữ đem về treo trong nhà để có thể cầu bình an, cầu phúc cho gia đình mình trong năm nay”.

Những ước nguyện tốt đẹp của người xin chữ được lồng vào trong những nét bút uyển chuyển của người cho. Mỗi nét chữ hiện ra dưới bàn tay ông đồ như những nét nghệ thuật thư pháp được gửi gắm cả tâm hồn và sự sáng tạo riêng của từng người cho chữ để làm nên một tác phẩm đẹp, một món quà xuân ý nghĩa.

Người xưa có câu “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi” thì xin chữ cũng chính là “xin nẻo, xin đàng” để theo đó mà đi đúng hướng cầu mọi điều tốt đẹp như ý nhất. Qua câu đối này, “Niên niên như ý xuân, tuế tuế bình an nhật” xin được gửi lời chúc năm mới trọn vẹn, bình an đến mọi người mọi nhà./.

Nguồn TTX Việt Nam


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online