Những làng nghề dưới lũy tre. (Lượt xem: 205062)

Trang chủ >> GIỚI THIỆU >> Thông tin trong ngành >> Hương sắc Sóc Trăng

Cập nhật: 16/03/2016

Địa danh Vũng Thơm được nhiều người biết đến với đặc Bánh pía. Tuy nhiên vùng quê này không chỉ có Bánh pía, mà dưới những lũy tre làng, ở những xóm có đông đồng bào Khmer sinh sống còn có những làng nghề độc đáo

Những làng nghề dưới lũy tre.
Những làng nghề dưới lũy tre.

Địa danh “Vũng Thơm” xuất phát từ  “Kompong Thom”  theo cách gọi của đồng bào Khmer địa phương, có nghĩa là “Bến Lớn”, nhằm chỉ vùng đất này ngày trước là một “bến cảng” khá sầm uất. Nhưng cùng với thời gian, quá trình phù sa bồi đắp và mực nước biển thấp dần, “Thương hải tang điền” “Bến Lớn” chỉ còn là “Vũng nhỏ”, nên Kompong Thom được dịch thành “Vũng Thơm” từ đó.

“Bến Lớn” không còn, cùng với bao vật đổi sao dời. Nhưng có một hình ảnh vẫn song hành cùng dãy đất giồng, vẫn đung đưa cùng nhịp thời gian đó là những lũy tre làng và như chúng tôi đã giới thiệu ở phần đầu chương trình, dưới những tán lá mảnh mai nhưng đan dày ấy là những làng nghề  bình dị nhưng vô cùng  độc đáo.

Phổ biến nhất ở Phú Tân nơi có hơn 80 % đồng bào Khmer sinh sống là nghề Đan đác. Chẳng ai nhớ rõ nghề này có tự bao giờ, chỉ biết là hết đời này lại tới đời kia. Những cô cậu bé, khi mới biết quan sát những vật xung quanh đã thấy ông bà cha mẹ ngồi đan trước nhà. Rồi khi đôi tay biết chẻ tre, vuốt trúc thì những cô cậu ấy lại ngồi cặm cụi dưới mái hiên hết năm này sang năm nọ cho đến khi phơ phơ đầu bạc, lại truyền cho cháu con...

Xã Phú Tân hiện có 102 hộ chuyên sống bằng nghề đan đác, chưa kể những người làm thời vụ hay những lúc nông nhàn. Tập trung chủ yếu ở làng nghề Phước Quới. Cách làm bao đời nay vẫn là thủ công truyền thống, với tre trúc là vật liệu chính, nhưng sản phẩm thì gắn với thị trường theo đặt hàng của thương lái. Hồi đó thì làm Ky xúc lúa, sàng, nia, thúng, dụng cụ đánh bắt cá: nôm, lờ, lợp.... bây giờ chủ yếu là đan cần xé . Anh Lâm Sê, Xã Phú Tân- huyện Châu Thành- Sóc Trăng cho biết: “Đất giồng Phú Tân có rất nhiều tre, trúc nên trước đây các dụng cụ phục vụ cho sản xuất chúng tôi điều tận dụng nguyên liệu địa phương tự làm ra, khi sử dụng không hết thì đem bán, dần dần các sản phẩm từ cây tre, cây trúc được nhiều nơi biết đến và tìm đến mua. Từ đó người dân chúng tôi có thêm một nghề truyền thồng”.

Ông Lâm Liếp với mô hình chiếc ghe ngo truyền thống

Dưới tán tre xanh ấy, Ông Lâm Liếp- xứng đáng là nghệ nhân của làng. Ông biết vót nan, chẻ nẹp từ khi còn là cậu bé lên chín, lên mười. Cho đến bây giờ đã ngoài 60, không có món nào ở làng nghề mà ông chưa làm qua. Vài năm gần đây, sau khi  truyền lại cho con cháu cách làm những vật dụng thông thường, để làm kế mưu sinh, thì với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo ông dồn toàn tâm cho những sản phẩm mang tính mỹ nghệ như bộ bàn ghế bằng tre. Đặc biệt là Mô hình chiếc ghe ngo- món quà lưu niệm độc đáo , khắc họa môn thể thao truyền thống của dân tộc , vừa giới thiệu đến du khách gần xa nét đặc trưng của Sóc Trăng. Ông Lâm Liếp cho biết: “Một mô hình ghe ngo làm khoảng 4 ngày vì công đoạn đục lường thân ghe khó làm và tốn công nhất, một sản phẩm như vậy bán được hơn 1 triệu đồng”.

Để làm ra chiếc ghe ngo nhỏ nhắn nhưng phải giống như  thật vì hình dáng, kích cở tương ứng với nguyên mẫu là cả một sự tính toán, khéo léo đối với Nghệ nhân Lâm Liếp. Điều này lại càng cần hơn nữa đối với Chị em bà Triệu Thị Vui- Thợ vẻ tranh trên kiếng. Không chỉ đòi hỏi hoa tay, tỉ mỉ, nhẫn nại mà là cả một sự đam mê thì mới “thổi hồn” vào những vật vô tri” để tạo nên những bức tranh hết sức sinh động về Nguồn cội, Phật pháp, Tín ngưỡng, Cảnh vật, Làng quê... Điều đặc biệt của loại hình này là “Tranh” ở bề này, nhưng phải được vẻ từ bề bên kia. Kỳ công, kén người cùng với nhiều yếu tố khác tác động: Thị hiếu, sự phong phú về sản phẩm của các loại hình nghệ thuật khác. Giới trẻ ngày nay  thích sự năng động thay vì miệt mài sáng tối với những gam màu cổ điển... Làng nghề không tránh khỏi những mai một, nhưng Phú Tân hiện vẫn còn khoảng 10 hộ chuyên vẽ tranh trên kiếng. Điều làm họ quyến luyến không nỡ ngừng tay, vì đó là nghề của Ông Bà truyền lại.

Phú Tân mùa cốm dẹp - mùa lễ hội

Đó là những nghề gắn liền với cuộc sống hằng ngày, được bà con làm gần như quanh năm. Còn khi ánh trăng rằm tháng mười bắt đầu ló dạng trên những lũy tre làng thì Phú Tân lại vang vọng nhịp chày đâm cốm dẹp.. Lúa nếp vừa chín tới, qua nhiều công đoạn: Rang, đâm, sàng, giã... trở thành những hạt cốm mỏng manh, trắng dẻo trộn với dừa, đường trờ nên thơm ngon lạ thường. Không chỉ là món ăn dân dã, đậm tình xứ sở mà Cốm dẹp còn là vật cúng thiêng liêng không thể thiếu trong đêm Cúng Trăng rằm tháng 10 - Ooc Om Boc, gắn với tục “ Đút cho trẻ ăn và những ước muốn tương lai”. Vào những ngày này, toàn xã có cả trăm hộ làm cốm, nhịp chày hối hả ngày đêm, hương bay khắp làng, tiếng vọng vang xa- báo hiệu một mùa Ooc Om Boc no ấm nữa lại về.

Bên cạnh những làng nghề truyền thống, thì dọc theo dãy đất giồng, gắn với địa danh Vũng Thơm này còn có những câu chuyện thực hư về Giếng Tiên, về cây Me trăm tuổi, ngôi chùa với tượng Phật nhìn ra bốn hướng , độc đáo Lễ Cúng Dừa.... Tất cả sẽ được giới thiệu cùng quý vị và các bạn trong những ký sự tiếp theo.

Quốc Khởi

Tag:

TIN LIÊN QUAN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online