Mồ hôi mặn mòi, ruộng lúa bờ xanh (Lượt xem: 8117)
>> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Cập nhật: 28/11/2016Cánh đồng quê, nơi thanh thản và yên bình đó còn giữ lại cho tôi thật nhiều kỉ niệm. Bố mẹ và mấy anh em đã quần quật trên 6 sào lúa nằm rải rác, có chỗ là mảnh ruộng nhỏ chục thước, có mảnh ruộng 2 sào chỗ cao chỗ trũng cách nhà đến 3 km.
Mồ hôi mặn mòi, ruộng lúa bờ xanh
(Nguyên bản của tác giả)
Cánh đồng quê, nơi thanh thản và yên bình đó còn giữ lại cho tôi thật nhiều kỉ niệm. Bố mẹ và mấy anh em đã quần quật trên 6 sào lúa nằm rải rác, có chỗ là mảnh ruộng nhỏ chục thước, có mảnh ruộng 2 sào chỗ cao chỗ trũng cách nhà đến 3 km. Tôi nhớ những ngày vừa ăn Tết xong, mồng 4 Tết loa phát thanh của xã đã kêu gọi mọi người xuống đồng cấy hái. Mấy anh em tôi lo chở từng bao phân chuồng đã ủ hoai mục xuống ruộng. Thường là mẹ tôi nhận nhiệm vụ chở từng bao tải nặng đến con đường đồng sát ruộng, mẹ trút từng đống nhỏ xung quanh ruộng. Anh em tôi dùng cào, dùng tay ném phân bón thật đều mặt ruộng lúc đó đã lấp xấp bùn nước. Phải lăn lưng làm cả buổi, phạt bờ cuốc góc, nhổ hết cỏ rác cho ruộng sạch sẽ để chờ hôm sau cấy lúa.
Tôi nhớ sao quên được cánh đồng tháng giêng, mưa phùn lay phay, gió bấc thổi lộng, cả nhà mấy người đang khom mình cấy lúa trong cái rét buốt tay. Tôi cứ vừa cấy vừa xuýt xoa rên khổ, đòi về nhà nấu cơm. Mẹ thường phải động viên tôi cố lấy vài cái mạ nữa rồi cho lên bờ nghỉ một lúc cho đỡ mỏi. Mẹ ngó chừng gần hết mạ, mẹ giao cho tôi 3 đon mạ, mẹ phóng đi nhổ thêm mạ mới. Mẹ bảo "con cứ cấy hết chỗ mạ này thì mẹ cho về". Tính tôi vốn lười nhác, sợ lao động nặng nên tôi ở lại cấy lúa mà lòng hậm hực. Tôi cứ nhẩn nha vừa cấy vừa nhìn trời nhìn đất chứ không cắm cúi cấy một mạch như mấy chị ở ruộng kế bên. Thoáng nhìn thấy bóng mẹ đang chở tải mạ mới về, tôi láu cá dúi ngay 2 đon mạ xuống bùn, coi như việc mẹ giao tôi đã làm xong.
Tôi nháo nhác lên bờ, phi xe thẳng về nhà để chui vào bếp đốt rơm nấu cơm canh và sưởi ấm. Chỉ còn bóng mẹ hì hục giữa ruộng, mẹ tôi cấy đến quá trưa mới về tới nhà. Tóc tai mẹ còn bết khô mấy vệt bùn. Mẹ giao hẹn với tôi là đi cấy cùng mẹ thêm 3 buổi nữa còn đâu mấy ruộng nhỏ, mẹ làm nốt.
Chỉ thoát việc đồng áng được chừng hơn tháng là mẹ lại khua chúng tôi đi làm cỏ ruộng. Ba anh em chia đều, mỗi đứa một góc, ai làm nhanh thì được về trước. Tôi biết không thể lừa được việc cho ai nên cũng xăm xắn làm, thỉnh thoảng đỉa bu vào chân hút máu, tôi cúi xuống giằng đỉa khỏi chân ném nó ra thật xa. Mẹ tôi thường kiếm chuyện gì đó tiếu lâm kể cho chúng tôi nghe, mấy anh em cười râm ran. Khi lúa vào thì con gái, hay bị sâu bệnh, mẹ bảo tôi và em gái đi phun thuốc sâu. Chị em tôi đội nón, áo tơi choàng quanh người, khẩu trang kín mít tránh độc hại nên cứ lầm lũi làm cả buổi, thỉnh thoảng mới nói với nhau vài câu. Cánh đồng im ắng, chỉ nghe gió mát hây hẩy trên tóc trên vai, thế mà áo chị em tôi lấm tấm mồ hôi.
Tháng 6 là tháng ngày mùa, lúa trên đồng đã chín vàng. Lúc ấy, anh em tôi đều nghỉ hè nên cả nhà ra đồng từ sớm tinh mơ để thu hoạch. Bố mẹ bảo phải đi sớm để lúa về nhà trước 10 giờ trưa tránh nắng. Cái nắng hè giữa đồng khiến người ta ngột thở. Nắng chói chang, rát bỏng cánh tay 2 lớp áo. Lọ mơ ngâm của mẹ chỉ được phép dùng xả láng vào những ngày đi gặt. Tính tôi vốn lơ đãng nên kiểu gì lúc phi xe ra đồng, tôi cũng thả hồn ngắm cánh đồng lúa chín vàng tít tắp, nghe giọng chim hót đón ban mai. Kể cả lúc đang mải miết gặt lúa, lượm lúa, bó lúa vác lên bờ, tôi vẫn cứ dòm bầu trời qua vành nón trắng. Để biết hôm nay trời xanh vời vợi, mây trắng từng đám lớn thỉnh thoảng trôi qua lờ lững, quên đi cái cảm giác thân lúa cứa vào chân tay ram ráp, xây xước. Khi nhìn ruộng lúa đã gặt xong xuôi còn trơ lại vô vàn gốc rạ, tôi cứ thầm nhủ trong lòng, mong sao anh em mình thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, mong bố mẹ không còn còng lưng trên cánh đồng này nữa.
Bao năm vất vả trên ruộng đồng, bố mẹ tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì 3 anh em tôi được ăn học đàng hoàng. Tôi và anh trai cứ giục bố mẹ bỏ ruộng vì bố mẹ đều có lương hưu. Bố mẹ vẫn chần chừ nói đợi em gái út tốt nghiệp rồi đi làm mới tính. Em tôi đi làm rồi, bố mẹ vẫn không bỏ ruộng đồng. Bố mẹ đều nói còn sức khỏe nên vẫn cứ làm, chứ ngồi nhà không buồn bực chân tay.
Nhớ có lần vợ chồng tôi đưa con về quê thì ông bà ngoại đang ngoài đồng gặt lúa. Vậy là cả nhà tôi cùng nhau đi ra ruộng, thằng bé con thích thú vì nhìn thấy tận mắt mấy con cò trắng đang tìm hạt lúa rơi, nó reo lên khi ông ngoại chìa cho mấy con muôm muỗm béo núc ních.
Tôi thương cánh đồng quê hương như thương nhớ chính tuổi thơ mình, lam lũ cực nhọc biết bao để làm ra hạt thóc, hạt gạo. Tôi dặn các con ăn cơm đừng làm rơi vãi, người nông dân phải vất vả một nắng hai sương mới làm ra bát cơm dẻo thơm...
Nguyễn Thị Loan
Ga Đông Anh - thị trấn Đông Anh - Hà Nội
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Xã Tài Văn cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí Nông thôn mới
- Biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngang khủng hoảng tài chính
- Mô hình “Dân vận khéo ở cơ sở”
- Chính phủ lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2026 - 2030
- Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh tăng theo lương cơ sở
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.