Luật Tố Tụng Hành Chính - Kỳ 8 (Lượt xem: 1995)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 12/09/2016

thst giới thiệu Luật Tố Tụng Hành Chính - Kỳ 8

Luật Tố Tụng Hành Chính - Kỳ 8
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật tố tụng hành chính.

 Chương VIII

PHÁT HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BÃI BỎ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 111. Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án thực hiện như sau:

a) Trường hợp chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị;

b) Trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị.

2. Văn bản kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải có những nội dung chính sau đây:

a) Tên của Tòa án ra văn bản kiến nghị hoặc đề nghị;

b) Tóm tắt nội dung vụ án và những vấn đề pháp lý đặt ra để giải quyết vụ án;

c) Tên, số, ngày, tháng, năm của văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ có liên quan đến việc giải quyết vụ án;

d) Phân tích những quy định của văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

đ) Kiến nghị hoặc đề nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.

3. Kèm theo văn bản kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị là văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Điều 112. Thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

1. Chánh án Tòa án cấp huyện có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án Tòa án cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tự mình hoặc theo đề nghị của Chánh án Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

4. Trường hợp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này để thực hiện quyền kiến nghị; trường hợp này, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 187 của Luật này để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 141 của Luật này.

Điều 113. Trách nhiệm giải quyết đề nghị về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị quy định tại Điều 111 của Luật này thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền kiến nghị phải xem xét và xử lý như sau:

1. Trường hợp đề nghị có căn cứ thì phải ra văn bản kiến nghị gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và thông báo cho Tòa án đã đề nghị biết để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

2. Trường hợp đề nghị không có căn cứ thì phải ra văn bản trả lời cho Tòa án đã đề nghị biết để tiếp tục giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 114. Trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan nhận được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án có trách nhiệm giải quyết như sau:

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án quy định tại Điều 112 của Luật này đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Tòa án đã kiến nghị. Nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án.

2. Trường hợp kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online