Giải pháp phòng trừ bệnh vi bào tử trùng trên tôm (Lượt xem: 4682)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 03/06/2021

Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 17.600 ha tôm nước lợ. Thế nhưng, diện tích thiệt hại ghi nhận được là 485,3 ha, do gặp phải một số bệnh thường gặp khi nuôi tôm nước lợ như bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng (hay phân trắng), vi bào tử trùng... Trong đó, bệnh vi bào tử trùng trên tôm là loại bệnh khiến người nuôi tôm lo ngại. Dù loại bệnh này đã xuất hiện tại Sóc Trăng từ giữa năm 2018, thế nhưng đến nay nhiều hộ nuôi vẫn còn khá mơ hồ khi tìm những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của loại bệnh này.

Giải pháp phòng trừ bệnh vi bào tử trùng trên tôm
Bệnh vi bào tử trùng trên tôm gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi.

   Tại huyện Cù Lao Dung đã thả nuôi được 1.880 ha tôm nước lợ với 70% diện tích thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ đạt 7 tấn/ha, tôm sú từ 3 đến 4 tấn/ha. Tuy sản lượng tôm đạt mức ổn định, nhưng Cù Lao Dung vẫn là địa phương có diện tích tôm nuôi thiệt hại cao nhất với 126,2 ha, chủ yếu do tôm mắc phải bệnh vi bào tử trùng.

Ao tôm Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

   Nhiều thành viên nuôi tôm thuộc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã bị ảnh hưởng nặng nề về lợi nhuận kinh tế. Hiện tượng bệnh vi bào tử trùng xuất hiện trên tôm khiến tôm nuôi chậm lớn và chi phí đầu tư tăng cao. Theo ông Trần Quang Cần, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung, nhận định: "Từ 1 đến 2 năm trở lại đây, bệnh vi bào tử trùng trên tôm diễn biến rất phức tạp. Bệnh này sẽ gây thiệt hại cho các hộ nuôi, làm tôm chậm lớn, nên năng suất giảm. Trong năm 2021, khoảng 20% thành viên Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú nuôi tôm bị thiệt hại, chủ yếu là do loại bệnh này gây ra".

   Bệnh vi bào tử trùng do ký sinh trùng EHP gây ra. EHP xâm nhập vào cơ thể tôm theo chiều dọc và chiều ngang. Cụ thể như tôm mẹ truyền qua cho tôm con trong quá trình sinh sản, EHP tồn tại trong trứng của tôm mẹ và nở ra tôm con bị nhiễm bệnh; Tôm bị bệnh do môi trường có mầm bệnh hoặc do ăn thức ăn tươi sống có mầm bệnh, EHP trong môi trường nuôi bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác để xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh; Tôm ăn thức ăn tươi sống hoặc sinh vật trong ao nuôi bị nhiễm EHP như: các loài giun đất, giun nhiều tơ (dời), động vật 2 mảnh vỏ (nghêu, sò, hàu...).          

   Đối với các ao bị nhiễm vi bào tử trùng, tôm thường có kích cỡ không đồng đều sau khoảng 25 ngày thả nuôi. Tăng trưởng của tôm chỉ đạt từ 10 - 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh. Bệnh vi bào tử trùng sẽ không gây chết tôm hàng loạt mà làm cho tôm nuôi chậm lớn và chết dần, vừa tiêu tốn thức ăn, vừa làm phát sinh nhiều khoản chi phí khác. Bên cạnh ảnh hưởng về mặt kinh tế, môi trường ao nuôi cũng sẽ chịu nhiều tác động khi khả năng mầm bệnh trong ao nuôi còn vẫn còn tồn lưu từ vụ này sang vụ khác và rất khó để xử lý triệt để.

   Ông Đồ Văn Thừa (ảnh), Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết: "Thời gian qua, từ việc lấy mẫu bệnh tại các ao nuôi đã cho thấy bệnh vi bào tử trùng trên tôm chiếm khoảng 80%, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung đã cấp thuốc kịp thời và hướng dẫn các hộ nuôi xử lý bệnh."

   Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thu mẫu xét nghiệm đối với các ao tôm bị thiệt hại. Qua xét nghiệm 105 mẫu, kết quả có 33 mẫu dương tính đốm trắng, tỷ lệ 24,6%; 41 mẫu dương tính Hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp, tỷ lệ 30,6%; đối với bệnh vi bào tử trùng xét nghiệm 51 mẫu có 14 mẫu dương tính, tỷ lệ 27,5%. Qua đó cho thấy, bệnh vi bào tử trùng cũng đang có chiều hướng gia tăng và cần có biện pháp chủ động phòng bệnh trong thời gian tới. 

Người nuôi cần cải tạo ao nuôi thật kỹ để vụ nuôi tiếp theo không tiếp tục phát sinh dịch bệnh.

   Để phòng ngừa bệnh vi bào tử trùng trong quá trình nuôi, nhiều hộ cũng đã chủ động áp dụng các nguyên tắc an toàn sinh học từ trại giống đến khâu cải tạo và quản lý ao tôm. Tại khu nuôi Tùng Thu ở ấp 3, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, kể từ khi tôm nuôi nhiễm phải bệnh vi bào tử trùng vào năm 2018, khu nuôi Tùng Thu đã tiến hành cải tạo lại toàn bộ từ ao nuôi, hệ thống xử lý nước đến sự thay đổi về phương thức thả nuôi. Từ 2 năm nay, khu nuôi Tùng Thu đã áp dụng mô hình nuôi tôm 4 giai đoạn theo hình thức lót bạt đáy. Với mô hình này, hộ nuôi có thể kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường trên tôm, việc chủ động kiểm soát được môi trường nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý ao khi có tôm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thực hiện sổ ký sinh trùng cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu, được hộ nuôi áp dụng để xử lý, nhằm hạn chế tình trạng tôm bị nhiễm bệnh vi bào tử trùng.

   Thạc sĩ Trần Tuấn Phong (ảnh), Trưởng Phòng Quản lí dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: "Để phòng ngừa bệnh vi vào tử trùng trên tôm nuôi, người nuôi cần cải tạo ao nuôi thật kỹ để vụ nuôi tiếp theo không tiếp tục phát sinh dịch bệnh. Đối với ao bạt, phải rửa bạt thật kỹ, phơi khô, phơi nắng, sau đó phải tiến hành khử trùng, diệt khuẩn. Đối với ao đất, cày kỹ, phơi nắng thật khô, sau đó rãi vôi để nâng pH cho ao từ 11-12 độ pH trong khoảng 5 ngày, để loại bỏ mầm bệnh vi bào tử trùng. Sau đó, điều chỉnh lại độ pH sao cho phù hợp với điều kiện của ao nuôi tôm. Khi lấy nước vào ao nuôi, cũng cần áp dụng các giải pháp để loại bỏ cặn bã hữu cơ và vật chủ trung gian mang mầm bệnh vi bào tử trùng vào trong ao nuôi. Trong quá trình nuôi phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như hạn chế người lạ ra vào khu nuôi, dụng cụ ao nuôi phải khử trùng định kỳ, ao nuôi cũng cần có rào chắn để loại bỏ nguy cơ các mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi".

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh.

   Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thành lập các đoàn liên ngành để kiểm soát các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh; tiến hành lấy mẫu giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất giống, xử lý tiêu huỷ đối với các lô tôm không đạt yêu cầu. Thực hiện Chương trình giám sát chủ động tại các Kênh cấp nước vào vùng nuôi để kịp thời khuyến cáo người nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra trên tôm do dịch bệnh, từ đó phấn đấu đạt sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngành tôm tỉnh Sóc Trăng theo đúng Kế hoạch đã đề ra./.

Hoàng Phong - Ngọc Thơ

 


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online