Công tác xã hội hóa trong phong trào đua ghe Ngo ở huyện Trần Đề (Lượt xem: 1468)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Cập nhật: 27/10/2022

Nếu như trước kia đua ghe Ngo ở Sóc Trăng chỉ bó hẹp trong từng Chùa, ở từng Phum sóc thì ngày nay đã trở thành phong trào, điển hình cho tinh thần đoàn kết xóm, ấp, cộng đồng người Kinh - Khmer - Hoa trong tỉnh. Hằng năm, cứ đến hội đua ghe Ngo như dịp Lễ hội Oóc-om-bóc, tinh thần đoàn kết càng được phát huy, khi công tác xã hội hóa phục vụ cho lễ hội được chính quyền địa phương, Ban Quản trị chùa phát động thì mọi người đồng lòng, tích cực hưởng ứng. Năm nay, huyện Trần Đề tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong phong trào đua ghe Ngo của địa phương.

Công tác xã hội hóa trong phong trào đua ghe Ngo ở huyện Trần Đề
Các đội ghe Ngo Trần Đề nỗ lực tập luyện.

    Sau 1 năm phải tạm dừng cho dịch bệnh COVID-19, năm nay, vào những ngày này, nhiều Thanh niên sống gần khu vực chùa Prêk Om Pu thuộc xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề đang khẩn trương hỗ trợ nhà Chùa hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong quy trình tu sửa chiếc ghe Ngo, với kinh phí hơn 70 triệu đồng. Ngày nay, chiếc ghe Ngo là biểu tượng chung của địa phương nên hằng năm nguồn kinh phí cho việc đóng mới hay sửa chữa ghe Ngo đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người Kinh, người Hoa trên địa bàn để phong trào đua ghe Ngo của địa phương phát triển ngày một lớn mạnh hơn.

    Anh Võ Tấn Vũ (ảnh) ở ấp An Hòa 1, xã Thạnh Thới An, nói: “Tôi rất đam mê môn đua ghe Ngo, nhưng không biết chơi. Nên mỗi khi địa phương vận động, mình sẵn sàng ủng hộ để giữ được bộ môn đua ghe Ngo truyền thống của dân tộc”. Còn với anh Nguyễn Thanh Tuyền, ở ấp Tiên Cường 1, xã Thạnh Thới An thì cho rằng: Mình cũng ủng hộ cho anh em thêm chi phí để tập dợt. Mỗi khi nhà Chùa có nhu cầu sửa chữa ghe Ngo mình cùng đóng góp để giữ được phong trào đua ghe Ngo của xã.

Bà con cùng nhà chùa tu sửa, trang trí ghe Ngo chuẩn bị cho giải đua sắp đến gần.

   Mỗi ngày, tại chùa Bâng Ton Sa thuộc xã Viên An, từ 3 giờ chiều là gian bếp đã đỏ lửa để chuẩn bị bữa ăn phục vụ cho các vận động viên tập dợt bơi ghe Ngo. Năm nay, đội Ghe chùa Bâng Ton Sa bắt đầu tiến hành tập luyện gần 2 tháng, vì vậy chi phí “nuôi quân” cũng là áp lực lớn đối với Ban Tổ chức. Theo đó, nhà Chùa đã thành lập 17 Tổ vận động, quyên góp chi phí từ các thành viên trong Tổ mình phụ trách, rồi phân công mỗi Tổ 2 ngày đảm nhận việc nấu ăn cho đội Ghe. Nhờ cách làm này mà bữa ăn hàng ngày của các vận động viên được tươm tất, đầy đủ cá, thịt với các món canh, món mặn, món xào,... “Khi chia Tổ và phân công nhiệm vụ như vậy, bà con phật tử đều rất ủng hộ, đi vận động đến đâu bà con ủng hộ đến đó nên đồ ăn cũng dư dả. Gia đình nào khó khăn thì họ góp sức, gia đình nào khá giả hơn thì ủng hộ tiền để mình mua thịt, cá”, anh Lâm Phol, Tổ trưởng Tổ 13, chùa Bâng Ton, xã Viên An, cho hay.

Các bếp ăn phục vụ cho các vận động viên tập dợt bơi ghe Ngo.

Các đội ghe hăng say tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội.

     Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách chăm lo về vật chất, tinh thần cho nhân dân huyện Trần Đề, trong đó có đồng bào Khmer đã ngày càng phát huy hiệu quả; nhiều mô hình sản xuất vật nuôi, cây trồng thành công, được nhân rộng. Đời sống vật chất của người dân cơ bản ổn định nên nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần có bước phát triển hơn. Vì vậy, công tác xã hội hóa phong trào đua ghe Ngo đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của nhiều người, góp phần hun đúc tinh thần tập luyện của các vận động viên, quyết đạt thành tích cao, mang vinh dự về cho đội Ghe, nhà Chùa và xóm, ấp. Ông Thạch Văn Mến, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề, cho biết: Hiệu quả đạt được từ công tác xã hội hóa, cho thấy, năm nay tinh thần tập luyện của các vận động viên có khác hơn so với mọi năm. Mọi năm tập đến khoảng 6 giờ là nghỉ rồi, nhưng năm nay các vận động viên tập rất hăng say, thậm chí Ban Tổ chức kêu anh, em không chịu nghỉ mà tập từ 16 giờ đến tận 19 giờ 30 hoặc hơn. Sự cộng hưởng này đã làm cho các vận động viên phấn chấn hơn, nâng cao thể lực, nâng cao tư tưởng để quyết tâm mang về chiến thắng.

Ông Thạch Văn Mến, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề.

    Năm nay, huyện Trần Đề có 2 đội Ghe nam tham gia Lễ hội Oóc-om-bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ĐBSCL, năm 2022 là ghe Ngo chùa Bâng Ton Sa thuộc xã Viên An và ghe ngo Prêk Om Pu xã Thạnh Thới An. Với sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng 3 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn huyện và sự cố gắng trong từng nhịp dầm của các vận động viên…. Trần Đề tự tin kỳ vọng sẽ đạt thành tích cao nhất trong hội đua năm nay./.

Bình Trọng - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online