Cánh đồng lúa quê tôi (Lượt xem: 7318)
>> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Cập nhật: 02/11/2016Tôi nhớ những năm tháng tuổi thơ lớn lên cùng với cánh đồng lúa chín. Nhớ cái hương vị của lúa mới mỗi khi trổ đòng cho tới lúc ra bông, mùi hương dịu nhẹ, ngọt ngào, man mát mà không có bất kì hương vị nào có thể sánh bằng. Nhớ cánh đồng quê với những lối mòn, con đường bằng đất, bằng bùn mà mọi người đắp lên để lấy lối đi. Tôi nhớ những cánh đồng lúa, những con đường ấy, những rặng cỏ ấy đã nâng đỡ mỗi khi tôi vấp ngã, con đường cũng là nơi quen thuộc mỗi khi tôi tới nhà ngoại chơi, hay đi học về
Cánh đồng lúa quê tôi
(Nguyên bản của tác giả)
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo Bắc Bộ, nơi ấy đã nuôi dưỡng tôi thành người. Tuổi thơ tôi gắn với lời ru của bà của mẹ, là những làn điệu chèo bên tai của chiếc đài radio, của những năm tháng bên cánh đồng lúa đi tuốt đòng đòng ăn giữa nắng trưa hè. Khi nói về mỗi miền quê, có ai mà quên được hình ảnh cánh đồng lúa, nó là là tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và cho ta những hạt gạo nuôi sống ta hằng ngày, gắn bó với cuộc sống của mỗi ai lớn lên tại mảnh đất ấy.
Nhà tôi lúc ấy là 1 ngôi nhà nhỏ, nằm sát và bao quanh với những cánh đồng lúa nên tôi được chứng kiến sư thay đổi muôn màu vẻ đẹp của cánh đồng lúa. Lúc ban đầu nó chỉ là những hạt thóc được các bác nông dân cũng như mẹ tôi gieo trồng mà có, sau đó chúng trở thành những cây mạ non màu xanh mướt và được cấy trên đôi bàn tay lam lũ của mọi người. Khi mới cấy xong, toàn bộ cánh đồng được phủ kín, khoác lên mình chiếc áo màu xanh lá mạ. Qua thời gian, dưới sự chăm sóc của người nông dân, cây mạ non ấy lớn dần thành cây lúa, đơm bông và trổ đòng. Khi lúa bắt đầu ra hoa, lũ trẻ con chúng tôi thường tuốt đòng đòng của thân cây lúa để ăn, nó ngọt nhẹ, thơm mùi lúa mới. Lúc ấy cây lúa vẫn còn nguyên chất chứ không phủ kín thuốc trừ sâu như bây giờ. Đó cũng là lúc đẹp nhất của lúa, lúa thì con gái. Khi lúa chín, cả cánh đồng phủ kín một màu vàng thẳng cánh cò bay đẹp như 1 bức tranh thủy mặc. Vào vụ thu hoạch lúa, thời gian sinh hoạt ở quê sớm hơn ngày thường rất nhiều và bận bịu. Mẹ tôi phải dậy từ sớm, khi tiếng gà mới bắt đầu gáy, mẹ cũng như mọi người đã phải ra đồng để đi gặt. Sau khi thu hoạch xong, lúa được tuốt và phơi cho tới khi hạt lúa mẩy và già thì mới được cất vào hòm. Ngày trước chưa có máy tuốt lúa nhiều, tôi nhớ mẹ tôi phải lấy đũa để tuốt từng bông lúa hay là phải đập lúa vào một phiến đá lớn để từng hạt lúa rơi ra. Những năm được mùa, ai nấy đều phấn khởi, rạng ngời nụ cười sau bao năm tháng vất vả, một nắng hai sương. Cuộc sống lam lũ ở miền quê nên tôi hiểu được sự khó nhọc của bà con nông dân cũng như mẹ tôi mỗi khi vào vụ mùa. Để có được hạt gạo nấu cơm mỗi ngày mà chúng ta có nó phải trải qua cả một quá trình, mồ hôi và bao giọt nước mắt của bà con nông dân “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm”. Vì thế chúng ta phải biết quý trọng, nâng niu giá trị ấy.
Quê tôi không có những cơn lũ về như các tỉnh miền Tây, cũng không có cái nắng khô hạn, cháy gắt ở các tỉnh miền Trung, nhưng quê tôi lại là 1 trong những nơi hứng chịu bão khi ở biển Đông về. Mỗi khi sắp đến vụ thu hoạch lúa mà nghe tin báo có cơn bão về ai nấy đều như nằm trên đống lửa đốt bởi thiệt hại của nó sẽ quét sạch đi bao công sức tháng ngày của bà con gieo trồng. Có những trận cơn bão đi qua, cuốn hết đi mọi thứ, mỗi cây lúa chỉ còn thu lại vẻn vẹn mấy hạt thóc.
Tôi nhớ những năm tháng tuổi thơ lớn lên cùng với cánh đồng lúa chín. Nhớ cái hương vị của lúa mới mỗi khi trổ đòng cho tới lúc ra bông, mùi hương dịu nhẹ, ngọt ngào, man mát mà không có bất kì hương vị nào có thể sánh bằng. Nhớ cánh đồng quê với những lối mòn, con đường bằng đất, bằng bùn mà mọi người đắp lên để lấy lối đi. Tôi nhớ những cánh đồng lúa, những con đường ấy, những rặng cỏ ấy đã nâng đỡ mỗi khi tôi vấp ngã, con đường cũng là nơi quen thuộc mỗi khi tôi tới nhà ngoại chơi, hay đi học về. Đi trên cánh đồng ấy không chỉ thấy được hương thơm mát dịu của lúa non đem lại mà tôi còn được thỏa thích vui đùa cùng lũ bạn, nếu có vấp ngã cũng sẽ được đám cỏ nâng đỡ. Cánh đồng lúa cũng là nơi chúng tôi thả diều và chơi trốn tìm….Tuổi thơ ấy thật êm đềm và thơ mộng biết bao.
Giờ đây khi xa quê ít khi có dịp về nhà nhưng những hình ảnh, những kỉ niệm tuổi thơ bên nó khiến tôi nhớ mãi. Nhớ về những năm tháng vất vả gắn với giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ để gieo từng hạt thóc, nhớ những giọt mồ hôi mỗi khi gặt lúa về của người dân quê tôi. Nhớ những hạt cốm dẻo ngon từ tay mẹ làm qua bông lúa nếp chín. Những kỉ niệm ấy nó sẽ giữ mãi trong tôi, nó dạy cho tôi phải biết quý trọng những hạt lúa, hạt gạo cũng như công lao của những người đã bỏ công sức gieo trồng nó. Cánh đồng lúa quê hương là nơi gieo giữ những kí ức trong tôi mà có lẽ tôi không thể nào quên được.
Mạc Thị Công Lý
Số điện thoại: 0976.311.728
Địa chỉ: Làng sinh viên Hacinco, 99 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.