Cảnh báo gia tăng số ca mắc Sốt xuất huyết ở trẻ em tại Sóc Trăng (Lượt xem: 2436)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 20/04/2023

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến ngày 16/4/2023, tỉnh đã ghi nhận 690 ca Sốt xuất huyết, tăng 621 ca so với cùng kỳ năm 2022, tăng 414 ca so với trung bình 5 năm 2016 - 2020. Sốt xuất huyết xuất hiện ở cả người lớn, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em vì có khả năng rơi vào sốc và tái sốc cao hơn. Bệnh thường xuất hiện và bùng phát thành dịch vào mùa mưa, do đó phụ huynh cần hết sức lưu ý trong vấn đề chăm sóc con em, đặc biệt là năm nay, Sốt xuất huyết được dự báo gia tăng.

Cảnh báo gia tăng số ca mắc Sốt xuất huyết ở trẻ em tại Sóc Trăng
Đến ngày 16/4, Sóc Trăng ghi nhận 690 ca mắc Sốt xuất huyết.

Ghi nhận tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng, số ca nhập viện do Sốt xuất huyết tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khoa Nhiễm Nhi của Bệnh viện đang điều trị nội trú cho 27 bệnh nhi mắc Sốt xuất huyết, trong đó có những ca tái mắc; có 4 ca Sốt xuất huyết nặng đang phải điều trị tại phòng cấp cứu hồi sức. Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng, “nguyên nhân dẫn đến số ca mắc Sốt xuất huyết, số ca nhập viện lẫn các ca nặng đều tăng là do người nhà bệnh nhân chưa có nhiều kiến thức về Sốt xuất huyết dẫn đến trẻ nhập viện trễ và nặng; chủ quan trong diệt muỗi, diệt Lăng quăng, không cho trẻ ngủ mùng để phòng, chống Sốt xuất huyết; khi trẻ bị sốt, phụ huynh tự điều trị ở nhà dẫn đến tình trạng trẻ nhập viện trễ”.

Bác sĩ CK2 Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng.

Trẻ em (nhất là trẻ từ 5 - 6 tuổi) là đối tượng dễ mắc Sốt xuất huyết hơn so với người lớn, do trẻ thường thích chơi ở những chỗ tối là nơi muỗi hoạt động. Bên cạnh đó, thân nhiệt, nhịp thở của trẻ thường cao hơn người lớn, tình trạng ra mồ hôi của trẻ nhiều hơn người lớn nên dễ bị muỗi phát hiện và tấn công. Sốt xuất huyết ở trẻ em thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột kèo dài từ 2 - 7 ngày. Một số biểu hiện kèm theo như nôn ói, mệt mỏi, xung huyết da, mặt đỏ phừng, đau nhức cơ, đau họng, … Giai đoạn khởi phát thường khó phân biệt bệnh Sốt xuất huyết với các bệnh khác do các biểu hiện bệnh thường không đặc hiệu. Điều này khiến phụ huynh dễ nhầm lẫn với bệnh cảm sốt thông thường và chậm đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. “Ngày đầu bé bị sốt cao, ngày thứ 2 bé bắt đầu nôn ói, tiêu chảy, bắt đầu có những đốm đỏ trên người thì bé được bác sĩ chỉ định nhập viện do Sốt xuất huyết”, chị Lâm Thị Việt Phương, phường 4, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm.

Chị Lâm Thị Việt Phương, phường 4, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Việc điều trị tại nhà hay cần nhập viện điều trị nội trú phải do bác sĩ thăm khám chỉ định. Bác sĩ CK2 Huỳnh Chí Bình khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không tự ý quyết định giữ trẻ tại nhà để điều trị mà phải tuân thủ những khuyến cáo từ bác sĩ; cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ mỗi ngày (dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh); dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt mua bên ngoài; vệ sinh mắt, mũi cho trẻ bằng Natri clorua 0.9%; cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá, cho trẻ uống nhiều nước, tránh thực phẩm, nước uống có màu; cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy giỡn, vận động mạnh; tránh mặc nhiều quần áo, ủ ấm cho trẻ; theo dõi sát các dấu hiệu chuyển biến nặng (trẻ nôn ói, bức rứt, tiểu ít, nôn ra máu) để kịp thời đưa trẻ nhập viện theo dõi, điều trị.

Phụ huynh cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của bác sĩ, cán bộ y tế trong điều trị, chăm sóc trẻ mắc Sốt xuất huyết.

Bệnh Sốt xuất huyết có tỷ lệ tử vong khá cao và hiện chưa có thuốc đặc trị. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho Muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển nên dễ dẫn đến nguy cơ Sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. Do đó, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng ngừa trẻ bị muỗi đốt, trang bị những hiểu biết về biểu hiện bệnh, kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị khi nghi ngờ Sốt xuất huyết, tránh để xảy ra biến chứng nghiêm trọng./.

Mỹ Phương - Lâm Huy


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online