Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ (Lượt xem: 1452)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 19/09/2023

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ lây lan trong các trường học. Đối đối tượng mắc bệnh đau mắc đỏ phổ biến là học sinh, bệnh cũng dễ lây lan giữa những người trong gia đình và cộng đồng dân cư. Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc, thậm chí là mù lòa. Do đó cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra. 

Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ
Bệnh nhân đau mắt đỏ cần được thăm khám, điều trị kịp thời.

Vào trung tuần tháng 9/2023, Phòng khám mắt của Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, tỉnh Sóc Trăng có đông người đến khám, trong đó có đến 50% là bệnh đau mắt đỏ. Những trường hợp như gia đình bà Phan Thị Nhanh ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú và bà Nguyễn Thị Thọ, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, cả nhà cùng mắc bệnh đau mắt đỏ. Bà Nhanh và bà Thọ đều cho rằng, “bệnh lây lan rất nhanh, chỉ trong 2 - 3 ngày là tất cả các thành viên trong gia đình đều mắc bệnh”.

Bà Phan Thị Nhanh, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú.

Bệnh đau mắt đỏ có những triệu chứng chung như mắt người bệnh có cảm giác xốn, cộm, ngứa, đau, chảy nước mắt, mắt có ghèn, mắt bị đỏ… gây cảm giác khó chịu. Do tâm lý chủ quan, một bộ phận người bệnh đã tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc điều trị tại nhà mà không đến thăm khám chuyên khoa, có trường hợp còn dùng chung thuốc với người đã mắc bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 1 Doãn Minh Phú (ảnh dưới) - Khoa Mắt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo đến bà con không nên tự ý đi mua thuốc nhỏ mắt hoặc điều trị tại nhà, vì nếu không đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh đau mắt đỏ có thể gây ra tình trạng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Bác sĩ CK1 Doãn Minh Phú - Khoa Mắt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, tỉnh Sóc Trăng.

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ có thể chia làm 2 nhóm, nhóm nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn, nấm (có khả năng lây lan bệnh) và nhóm không nhiễm khuẩn do dị ứng, hóa chất, giảm bài tiết nước mắt gây khô mắt. Loại virus gây bệnh đau mắt đỏ có thể sống trên mặt phẳng, ngoài môi trường 2 ngày. Do đó, “nếu tay người bệnh chạm vào mắt rồi chạm vào những đồ dùng công cộng, đồ dùng chung như khăn mặt, chén đũa, tiếp xúc với người khác,… thì sẽ lây lan bệnh cho cộng đồng”, bác sĩ chuyên khoa 1 Doãn Minh Phú cho biết.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, mỗi người cần có ý thức vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà bông, không dụi mắt, mũi, miệng, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi mắc bệnh đau mắt đỏ; sử dụng xà bông hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; bổ sung đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Người có triệu chứng bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra./.

Mỹ Phương, Reng Xây


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online